Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 08/10/2019
Ngày cập nhật:
10/10/2019
Về xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), hỏi thăm nhà anh Trương Hoàng Cương bà con trong làng, ngoài xóm ai ai cũng biết. Đơn giản, bởi ở vùng đất cằn này, những thanh niên dám nghĩ, dám làm và thành công với mô hình chăn nuôi lợn mang lại thu nhập từ 700 triệu- 1 tỷ đồng mỗi năm thì không có nhiều.
Anh Trương Hoàng Cương chăm sóc đàn lợn.
Đứng trước trang trại với 700 con lợn siêu nạc đang chuẩn bị xuất chuồng, anh Cương không giấu được niềm vui. Từ năm 2017 đến nay, người chăn nuôi lợn trải qua nhiều sóng gió, hết lợn giá rẻ lại đến dịch tả lợn châu Phi. Trang trại lợn của anh Cương cũng không là ngoại lệ.
“Hiện nay, những khó khăn trong chăn nuôi tạm thời qua đi. Giá lợn đang trên đà tăng, mỗi con lợn xuất chuồng, tôi thu được 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí chăn nuôi. Mỗi tháng, tôi xuất chuồng khoảng 100 con. Lợn nuôi bổ sung liên tục, nên thời điểm nào tôi cũng có lợn để bán ra thị trường với số lượng lớn.
Trước đó, tôi thiệt hại từ chăn nuôi do những rủi ro khách quan ước tính cũng lên đến cả tỷ đồng. Cũng may mắn là những năm trước đó, việc chăn nuôi thuận lợi. Có năm, tôi thu lãi cả tỷ đồng. Có nguồn vốn nên tôi có thể duy trì đàn để vượt qua giai đoạn khó khăn.”- anh Trương Hoàng Cương chia sẻ.
Có lẽ, sự bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn đã được anh Cương luyện rèn qua nhiều lần nếm trải thất bại kể từ khi khởi nghiệp. Sinh năm 1985, là con trai út trong một gia đình nghèo ở xã Thạch Bình, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn sau khi tốt nghiệp THPT, anh Cương đã nỗ lực thi vào Trường Cao đẳng thú y để có thể vừa học, vừa làm. Sau hơn 3 năm học, với những kiến thức học được trong nhà trường, Cương rời quê vào miền Nam để làm quản lý cho một trang trại nuôi lợn lớn.
Những ngày làm việc tại trại lợn là những trải nghiệm vô cùng quan trọng cho công việc của Cương sau này. Hơn chục năm gắn bó với trang trại nuôi lợn, vốn liếng thu được không chỉ là hàng trăm triệu đồng tích cóp được, mà quan trọng hơn cả đó là những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để Hoàng Cương tự tin lên tàu về quê lập nghiệp.
Tận dụng diện tích đất rộng của gia đình, anh Cương vay mượn hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại và mua giống lợn cỏ để nuôi. Anh Cương cho biết, khi mới lập nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn về giống, vốn... Tin tưởng vào hướng đi của tôi, gia đình, họ hàng, làng xóm đặc biệt là Đoàn thanh niên xã động viên, hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi, tạo điều kiện để tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…
Vậy là anh đã bắt tay vào công việc chăn nuôi. Thế nhưng, lứa lợn cỏ đầu thu hoạch, anh Cương bị lỗ tới 300 triệu đồng. Không nản, anh Cương quyết tâm bám trụ lại quê hương để lập thân, lập nghiệp. Anh Cương bình tĩnh để tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại. Sở dĩ nuôi lợn cỏ bị lỗ bởi đây là loại lợn có sức đề kháng kém, dễ bị dịch bệnh. Mặt khác, thức ăn cho loại lợn cỏ này cũng khá tốn kém, trong khi thị trường đầu ra thì chưa ổn định, anh dừng nuôi lợn cỏ để tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ về các loại lợn khác.
Cuối cùng, Cương quyết định chuyển hướng sang nuôi lợn siêu nạc. Ban đầu, anh mua hơn 100 con lợn nái siêu nạc và đăng ký tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi giống lợn này. Qua các buổi tập huấn, anh được hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho lợn. “Nhờ áp dụng tốt các kiến thức về khoa học kỹ thuật, đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong hơn chục năm vừa học, vừa làm nên đàn lợn của gia đình tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh”- anh Cương cho biết.
Ban đầu, anh Cương nuôi lợn sinh sản, dần dần mở rộng chăn nuôi theo phương pháp luân chuyển để đảm bảo duy trì thường xuyên số lượng trong đàn. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, hệ thống máng ăn tự động hiện đại, giảm sức lao động. Lợn được phòng chống dịch bệnh cẩn thận nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Trung bình mỗi năm, gia đình anh Cương đạt doanh thu từ 600-700 triệu đồng, có năm đạt 1 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi lợn. Làm không xuể việc, Cương còn thuê thêm 2 lao động địa phương với mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại, anh Cương xây dựng thêm trang trại để nuôi lợn nái. “Tôi hướng tới mô hình chăn nuôi khép kín. Nghĩa là tự mình chủ động về con giống, sau khi lợn sinh sản sẽ úm và chuyển sang khu nuôi lợn thịt. Ngoài ra, tôi tận dụng đất vườn để trồng thêm hơn 2.000 hốc chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng cũng hứa hẹn là loại sản phẩm dễ tiêu thụ, với mức giá ổn định”- anh Cương phấn khởi cho biết. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, Trương Hoàng Cương còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn cho những thanh niên có chí làm giàu ở địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.