Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 16/10/2019
Ngày cập nhật:
17/10/2019
Hiện nay, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá thịt lợn lên mức cao kỷ lục, chưa từng có từ trước đến nay. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Thịt lợn giá cao kỷ lục
Cuối tháng 9, giá lợn hơi chỉ quanh mốc 46-48 nghìn đồng/kg nhưng hiện đã tăng rất cao. Tại một số trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giá lợn hơi dao động từ 63-65 nghìn đồng/kg. Với giá bán như hiện tại, người dân thu lãi từ 2-2,5 triệu đồng/con lợn nặng một tạ. Đây cũng là cơ hội cho người chăn nuôi bù đắp thiệt hại trước đó.
Trang trại nuôi lợn thịt quy mô hơn 2 nghìn con chuẩn bị được xuất bán ở xã Phúc Hòa (Tân Yên).
Chị Nguyễn Thị Kim, chủ trang trại lợn tại xã Quang Minh (Hiệp Hòa) cho biết: “Hiện nay, cứ một con lợn lãi bằng hai con trước đây. Gia đình tôi vừa xuất chuồng đàn lợn gần một nghìn con, giá 63 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, thương nhân bắt cả lợn nặng từ 80-90 kg/con thay vì chỉ mua biểu lợn đạt một tạ như trước đây, gia đình tôi thu lãi hơn 2 tỷ đồng”.
Nguyên nhân giá lợn tăng cao chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi trong cả nước khiến đầu lợn giảm mạnh. Riêng tỉnh Bắc Giang có hơn 200 nghìn con phải tiêu hủy, tái đàn thấp nên tổng đàn hiện chỉ còn khoảng 700 nghìn con, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại do phía Trung Quốc đang thiếu thịt lợn trầm trọng. Vì vậy, tại tỉnh đã xuất hiện một số xe vận chuyển lợn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ theo đường tiểu ngạch cũng là một trong những yếu tố khiến nguồn cung hạn chế.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ cũng “đua” nhau tăng mạnh. Hiện tại các chợ, giá thịt lợn các loại dao động từ 90.000-130.000 đồng/kg. Riêng chợ hay quầy bán lẻ ở nông thôn có giá từ 85.000-110.000 đồng/kg. Theo một số tiểu thương kinh doanh thịt lợn, với giá lợn hơi như hiện nay, người xẻ thịt bán lẻ nếu không khéo sẽ không có lãi vì giá mua móc hàm đã lên tới 80 nghìn đồng/kg. Một số người bán hàng với tâm lý giữ khách, lãi không được cao như trước.
Đầu lợn thịt giảm cũng gây khó khăn cho một số lò mổ. Anh Nguyễn Văn Tú, người làm nghề giết mổ lợn lâu năm ở xã Hương Gián (Yên Dũng) cho biết, những tháng trước mỗi ngày anh bán khoảng 2 con/ngày nhưng nay cố gắng chỉ tìm, tiêu thụ được một con lợn. Nếu cứ đà này, người làm quy mô nhỏ lẻ như anh rất khó cạnh tranh được với các cơ sở lớn. Nếu phải mua qua khâu trung gian thì giá sẽ đội cao hơn.
Dự báo, giá lợn hơi còn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi nguồn cung giảm mạnh. Dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, nhiều hộ, địa phương chưa thể tái đàn. Cùng đó, lợn giống ít vì để gây được một lợn nái phải mất vài năm.
Tăng đàn gia cầm, vỗ béo trâu, bò
Thịt lợn là một trong những thực phẩm thiết yếu, chiếm 70% tổng thực phẩm trong bữa ăn của người Việt. Thêm nữa, đặc thù là nuôi lợn không thể ngắn thời gian như một số vật nuôi khác. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn và các loại thịt khác.
Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh; tăng mạnh đàn gia cầm, trâu, bò, dê, thủy sản… bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, hiện nay cái khó của tỉnh là có nhiều xã hơn 30 ngày không tái mắc lại dịch tả lợn châu Phi nhưng lại có 40 xã tái phát dịch. Ổ bệnh nhỏ lẻ, xuất hiện rải rác ở khắp các huyện, TP nên công tác tái đàn cần thận trọng. Tuy vậy vẫn có một số thuận lợi đó là dù không có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi song sức đề kháng của vật nuôi tốt hơn, có khả năng miễn dịch tự nhiên. Người chăn nuôi có kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh tốt hơn.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh; tăng mạnh đàn gia cầm, trâu, bò, dê, thủy sản… bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Đi đôi với biện pháp trên cần tập trung bao vây, khống chế và tiến tới dập tắt ổ bệnh. Triển khai ký cam kết tại hộ dân, không được hỗ trợ khi tái đàn gặp rủi ro. Yêu cầu cán bộ thú y tỉnh, huyện xác định chính xác nguyên nhân lợn chết, không để trục lợi chính sách.
Trên thực tế, người dân tại một số địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sau khi lợn mắc dịch bệnh. Có trang trại đã tái đàn. Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hòa được biết, tổng đàn lợn của huyện khoảng 90 nghìn con, tăng 15 nghìn con so với thời điểm bùng phát dịch.
Để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm thịt, người dân trên địa bàn huyện đã tập trung tăng đàn gia cầm, thủy cầm, vỗ béo bò thịt cũng như vào đàn lợn với quy mô vừa phải. Cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học 5 nghìn con tại hai xã Hoàng An, Thanh Vân; các cơ sở ấp nở giống gia cầm tăng công suất cung ứng giống đến người dân để kịp vào đàn, xuất bán dịp Tết.
Trường Sơn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.