Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 22/10/2019
Ngày cập nhật:
25/10/2019
Mặc dù Đắk Nông được xem là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển đàn bò thịt, nhưng thực tế nghề này chỉ mới dừng lại ở việc xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Làm sao để vừa phát triển đàn bò thịt quy mô lớn, vừa nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi vẫn đang là câu hỏi cần có những đáp án cụ thể.
Chăn nuôi nhỏ lẻ
Mặc dù được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai để phát triển chăn nuôi, thế nhưng toàn tỉnh mới có 20 trang trại chăn nuôi bò với quy mô không lớn. Chủ yếu chăn nuôi bò vẫn ở dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình…
Đàn bò ở Đắk Nông vẫn chủ yếu được nông dân nuôi ở quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: Nông dân xã Đắk P'lao (Đắk Glong) chăn thả bò
Gia đình ông Lương Văn Kéo ở xã Nam Xuân (Krông Nô) là một trong những hộ tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi bò hơn 10 năm nay tại. Theo ông Kéo, cái khó nhất trong chăn nuôi hiện nay là quy mô đàn bò ở nông hộ còn quá nhỏ. Do đó, ngành Chăn nuôi tỉnh làm sao giúp nông dân thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị.
Mong muốn của ông Kéo cũng là trăn trở chung của những người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, ngoài câu chuyện tìm kiếm nguồn vốn, con giống đạt chất lượng để tăng đàn thì vấn đề lo lắng nhất của nông dân vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mà mình tham gia sản xuất. Nói cách khác là có sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra trong chuỗi giá trị sản xuất.
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô là địa phương có lợi thế cạnh tranh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để triển khai tốt chương trình phát triển giống bò thịt thì ngành Nông nghiệp cần đánh giá đúng thực trạng chăn nuôi của địa phương. Bởi xác định được thực trạng thì sẽ xây dựng được giải pháp khả thi để phát triển đàn bò những năm tới, nhất là vấn đề đầu ra cho nông dân.
Tổ chức lại khâu sản xuất
Theo kế hoạch phát triển đàn bò, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến 2025, tổng đàn bò của tỉnh đạt 37.000 con. Chất lượng đàn bò thịt đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như: Khối lượng trưởng thành đạt 250 – 300 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt 45-50%. Vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức và Đắk Glong. Giai đoạn 2025-2030, tổng đàn bò của tỉnh đạt 42.000 con, chất lượng đàn bò thịt đạt các tiêu chí kỹ thuật về khối lượng trưởng thành từ 300-350 kg/con, tỷ lệ thị xẻ đạt 50-55%...
Tính đến tháng 12/2018, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt 33.000 con, trong đó, đàn bò lai chiếm tỷ lệ 80%. Tuy nhiên, chất lượng giống bò thịt, trọng lượng và tỷ lệ thịt xẻ vẫn còn thấp. Sản phẩm thịt bò chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết, trong Chương trình phát triển giống bò thịt tập trung, ngành Nông nghiệp xác định thực hiện theo một quan điểm nhất quán. Đó là, tiếp tục cải thiện chất lượng và hình thành đàn bò thịt giống chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Bên cạnh đó, dần hình thành một số chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu giống bò thịt tỉnh Đắk Nông.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tình, trong Chương trình phát triển giống bò thịt tập trung, tỉnh sẽ có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, tăng nhanh đàn bò cái nền lai zêbu. Nếu doanh nghiệp nhập bò cái giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ chăn nuôi thì được hỗ trợ bổ sung 10 triệu đồng/con. Chương trình cũng xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể về giống; thức ăn cho bò; kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh; tín dụng; đất đai; xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến thịt bò…
Đối với giải pháp về tổ chức sản xuất, Chương trình phát triển giống bò thịt sẽ định hướng phát triển chuỗi liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau để hình thành nhóm nông hộ, hợp tác xã. Tỉnh cũng khuyến khích chăn nuôi bò thịt theo hướng trang trại, cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Nâng cao quy mô, chất lượng đàn bò thịt là cần thiết. Thế nhưng, làm thế nào để nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò thịt thì lại cần rất nhiều những nỗ lực của các ngành, địa phương.
Bài, ảnh: Văn Tâm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.