Nguồn tin: Tỉnh Vĩnh Phúc, 22/10/2019
Ngày cập nhật:
26/10/2019
Với sự năng động, nhạy bén, ham học hỏi, anh Phạm Ngọc Tú, thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế (Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có thu nhập khá từ mô hình nuôi lợn rừng, lợn mán. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả ở địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Với giá lợn như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Phạm Ngọc Tú, xã Đồng Quế (Sông Lô) có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn rừng
Cùng cán bộ xã vượt qua một đoạn đường dài, ngoằn ngoèo và khó đi, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Tú nằm giữa một quả đồi rộng chừng 20 ha. Trên diện tích khá rộng, anh Tú xây dựng nhiều chuồng nuôi kiên cố kết hợp với sân vườn có quây lưới chắc chắn để nuôi lợn rừng, lợn mán theo hình thức bán chăn thả.
Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp cấp III, anh Tú đi làm ngay. Trải qua nhiều công việc với thu nhập bấp bênh, anh trở về quê. Đến năm 2009, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Tú quyết định chuyển vào khu đồi nằm sâu trong thôn Thanh Tú để lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng anh khá vất vả do thiếu vốn, loay hoay mãi chưa biết làm gì. Tâm sự với chúng tôi, anh Tú chia sẻ: Khi ấy, hai vợ chồng phải “đi bổ củi đổi cơm” bởi ngoài căn nhà đơn sơ dựng tạm, thì vốn liếng của đôi vợ chồng trẻ chỉ có 1 cặp lợn rừng, điện đóm không có, điện thoại hay mạng internet lại càng không. Làm gì để phát triển kinh tế gia đình luôn là vấn đề trăn trở trong anh.
Cùng bạn bè đi khảo sát thị trường tại các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy nhu cầu nguồn hàng về dê núi, lợn rừng, lợn mán tương đối lớn, trong khi điều kiện địa hình tại nơi mình sinh sống khá phù hợp với sự phát triển của các con vật này. Nghĩ là làm, anh bàn với vợ vay tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, tăng số lượng đàn lợn rừng và kết hợp nuôi 50 con dê. Mặc dù nuôi dê ít bệnh tật, chi phí thức ăn thấp tận dụng được các loại cây, cỏ sẵn có trên vườn đồi và có thể thu gốc sau 1 năm, song lại cần người chăn thả, nên từ năm 2013, hai vợ chồng anh Tú chỉ tập trung vào nuôi lợn rừng, lợn mán.
Tiếp đó, năm 2016, gia đình anh xây dựng thêm chuồng trại, đưa gần 50 lợn nái ngoại vào nuôi bởi thời gian nuôi ngắn, giá bán lúc đó lên cao. Thế nhưng, không may, khi đàn lợn ngoại vừa đến thời điểm xuất bán thì giá lợn xuống thấp ở mức 15 nghìn đồng/kg, lại thêm mắc phải bệnh E.coli. Gia đình anh Tú khi ấy không khỏi “điêu đứng” khi phải chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Không nản chí, “cơn bão” giá lợn thấp kỷ lục đi qua, hai vợ chồng anh Tú lại vay mượn thêm vốn, tập trung nuôi lợn rừng, lợn mán bởi giá bán các loại lợn này luôn ở mức cao, đầu ra ổn định, thậm chí có thời điểm không đủ hàng để bán.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, anh Tú thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch và chăm sóc cho đàn lợn theo hướng hữu cơ, sử dụng thức ăn chủ yếu là cám gạo và cây, cỏ quanh nhà. Anh Tú bảo, lợn rừng cơ bản dễ nuôi vì là động vật ăn tạp, được nuôi theo mô hình chăn thả nên có sức đề kháng cao, nhưng khó nhất là khâu chăm sóc lợn giống. Lợn con sinh ra phải biết cách chăm sóc nếu không rất dễ chết.
Thời điểm này, khi dịch Tả lợn châu Phi vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, trang trại nuôi lợn rừng, lợn mán của anh Tú vẫn an toàn. Song, không vì thế mà vợ chồng anh Tú lơ là, chủ quan trong khâu phòng dịch bởi theo anh, chăn nuôi luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là dịch bệnh có thể khiến cả vốn cả lãi “đội nón ra đi”.
Ngoài việc bổ sung thêm lượng thức ăn, tăng chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, rắc vôi bột 2 lần/ngày xung quanh chuồng trại, thì khách đến chơi đều phải thực hiện cách ly tuyệt đối với khu vực chuồng trại. Thông thường, sau khoảng 9 - 10 tháng, lợn rừng có thể xuất bán với trọng lượng từ 30 - 35 kg/con.
Từ 1 cặp giống ban đầu, đến nay, trang trại của gia đình anh Tú có hơn 20 lợn nái và gần 300 con lợn thịt các loại. Với nguồn cung lớn, dồi dào, chất lượng thịt ngon, uy tín, trang trại của anh Tú được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới. Trong đó, chủ yếu là các nhà hàng với các món ăn đặc sản.
Thời điểm này, lợn rừng đang có giá bán 120 nghìn đồng/kg và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới bởi nguồn cung thịt lợn trong tỉnh đang rất khan hiếm. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tú có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Bài, ảnh Hồng Nhật
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.