Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 24/10/2019
Ngày cập nhật:
28/10/2019
Nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, nhiều khả năng mùa đông năm nay sẽ ấm hơn, tuy nhiên vẫn xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các chủ trang trại, hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm.
Toàn tỉnh hiện có gần 133 nghìn con trâu, bò; gần 500 nghìn con lợn và hơn 5,6 triệu con gia cầm. Với số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, chăn nuôi đã và đang có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Ông Phạm Văn Cát, thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã gia cố lại chuồng để nuôi nhốt trâu khi nhiệt độ xuống thấp.
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh mùa đông nhiệt độ giảm xuống thấp, độ ẩm cao, nguồn thức ăn khan hiếm là nguyên nhân dẫn đến sức đề kháng của đàn vật nuôi bị giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, phát triển, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Xã Xuân Vân, địa phương dẫn đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Yên Sơn, với 855 con trâu, bò; trên 3.000 con lợn; 33.000 con gia cầm, thủy cầm. Thời điểm này, thời tiết chưa chuyển rét, song bà con đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi ở mức cao nhất. Ông Phan Văn Cát, thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân cho biết, gia đình có 5 con trâu, 10 con lợn và hơn 100 con gà. Chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập chính nên gia đình đặc biệt quan tâm, chuồng trại được xây dựng cẩn thận; thức ăn cho vật nuôi cũng được chuẩn bị đầy đủ. Riêng đối với đàn trâu, gia đình ông Cát đã trồng được 3 sào ngô đông cộng với nguồn rơm tích trữ từ vụ mùa cơ bản đủ để cho đàn trâu ăn qua mùa đông. Chủ động nguồn thức ăn, ông Cát cũng tiêm đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi.
Ông Đỗ Xuân Thủy, cán bộ Thú y xã Xuân Vân cho biết, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của người dân rất tốt, các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại, riêng đối với đàn gia súc mô hình “1 chuồng nuôi nhốt, 1 diện tích thức ăn thô xanh và 1 cây rơm” được duy trì khá tốt. Hiện tại xã đang tập trung tiêm phòng vụ Thu - Đông tạo thế miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi trong mùa đông.
Ở xã Bình Xa (Hàm Yên) nhiều hộ chăn nuôi đã gia cố, tu sửa cho chuồng trại sạch sẽ, khô ráo và bảo quản và dự trữ thức ăn thô, trồng thức ăn xanh đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Anh Hoàng Văn Lợi, thôn Đồng Lường, xã Bình Xa cho biết, thời điểm này, rơm rạ, cỏ vẫn rất dồi dào nên anh tranh thủ thời tiết nắng ráo cắt, phơi khô, ủ chua để đông đến có sẵn nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Người dân thôn Đồng Chùa, xã Bình Xa (Hàm Yên) trồng ngô đông để lấy cây chăn nuôi trâu, bò.
Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tại các địa phương cho thấy, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi tương đối tốt, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn thức ăn. Thống kê sơ bộ, có khoảng 6.000 ha cây ngô đông đã được gieo trồng, chưa kể lượng lớn rơm rạ từ thu hoạch lúa mùa được bà con phơi khô, tích trữ lại làm thức ăn cho đàn gia súc lớn.
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho rằng, thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng sẽ tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần lưu ý đến gia súc sơ sinh, gia cầm non có chế độ chăm sóc phù hợp; làm áo ấm cho trâu, bò (nhất là bê, nghé) bằng bao tải đay, vải sợi bông nhiều lớp… khi nhiệt độ xuống thấp. Ông Công nhấn mạnh, mùa đông cũng là mùa của dịch cúm gia cầm, trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng sang nuôi gia cầm, thủy cầm. Hiện tại đàn gia cầm, thủy cầm tăng cao nhất từ trước đến nay khoảng 5,6 triệu con, nên bà con cần đặc biệt quan tâm, chú ý tiêm phòng đầy đủ vắc xin để phòng, chống; vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi; thực hiện phun thuốc khử trùng khu vực; nếu vật nuôi chết bất thường phải báo ngay với cơ quan thú y, chính quyền địa phương để lấy mẫu, xác định bệnh và có biện pháp khống chế, dập tắt dịch bệnh trong phạm vi hẹp.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.