Nguồn tin: VOV, 28/01/2019
Ngày cập nhật:
1/2/2019
Vượt qua những thăng trầm khi đến với nghề nuôi heo, đến nay anh Dự đã tạo dựng được 1 trong 10 trang trại heo lớn nhất tỉnh Long An.
Dù đang làm kế toán cho 1 công ty ở TP HCM với thu nhập ổn định, nhưng anh Trương Công Dự, ỏ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình. Với niềm đam mê và sự nỗ lực vượt khó, anh đã vượt qua những thăng trầm khi đến với nghề nuôi heo và hiện là 1 trong 10 trang trại heo lớn nhất của tỉnh Long An.
Theo giới thiệu của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, chúng tôi về huyện Đức Hòa gặp anh Trương Công Dự (SN 1976) trú tại ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa - một điển hình trong chăn nuôi heo công nghệ cao của tỉnh.
Gặp chúng tôi, anh Dự hồ hởi khoe, sau gần 2 năm lận đận vì giá heo xuống thê thảm, người nuôi heo tưởng như không thể gượng dậy nổi thì giờ đây không chỉ bù lỗ mà người nuôi heo còn có lãi. Đợt vừa rồi, cứ mỗi tháng anh xuất chuồng hơn 200 con heo thu về hàng tỷ đồng. Dịp này, anh Dự cũng kịp sắm cho mình một chiếc ô tô để cả gia đình chuẩn bị du Xuân, đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Trương Công Dự thành công từ niềm đam mê của mình.
Anh Trương Công Dự cho biết, anh đến với nghề nuôi heo xuất phát từ niềm đam mê. Tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán TP HCM năm 1999 và làm kế toán tại một công ty ở TP HCM với nguồn thu nhập ổn định, nhưng anh Trương Công Dự vẫn không thôi ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Năm 2004, được sự ủng hộ của gia đình về nguồn vốn, vay mượn thêm của ngân hàng, anh Trương Công Dự quyết định mở trang trại heo với quy mô 7 công đất (gần 1ha) với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng. Chăn nuôi không phải là nghề tay mặt nên bước đầu anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc heo, kinh nghiệm xây dựng chuồng trại, bởi vậy để khắc phục hạn chế này anh phải đi học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như thuê dịch vụ thú y về làm phụ mình.
Bà Hồ Thị Tựa, mẹ của anh Dự cho biết, thấy con có chí hướng chăn nuôi heo, gia đình rất ủng hộ. Do anh Dự vẫn bám nghề kế toán ở TP HCM lại chưa có điều kiện thuê công nhân nên bà Tựa phải phụ chăm sóc trang trại. Chân ướt chân ráo vào nghề chăn nuôi, nhưng ngay đợt xuất chuồng đầu tiên, anh đã thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên khi mới bắt đầu có chút tích lũy thì dịch bệnh lại xảy ra, giá cả giảm mạnh nên anh phải ráng gồng gánh.
“Khó khăn nhất là những năm heo nuôi bị dịch bệnh, Dự phải làm rất cực khổ vất vả, khiến cả gia đình cũng nhiều lúc khốn đốn. Sau khi được gia đình động viên và tính toán kĩ càng, tập trung đầu tư để duy trì trang trại đến nay công sức của Dự đã được đền đáp”, bà Tựa cho biết.
Theo anh Trương Công Dự, so với đợt dịch bệnh tai xanh trên con heo cách đây vài năm, trang trại heo của anh thua lỗ nặng nề nhất là vào giai đoạn từ năm 2017 kéo dài đến tận gần giữa năm 2018, khi đó giá heo xuống thấp, để duy trì trang trại và số lượng đàn heo, anh phải bán một vài nền đất để bù lỗ gần 2 tỷ đồng.
Anh Dự cho hay, thời điểm đó anh cũng rất nản chí, nhưng vì niềm đam mê nuôi heo lại được sự ủng hộ của gia đình, anh cũng cố gắng vượt qua. Giờ đây niềm vui của người chăn nuôi heo đang trở lại khi giá tăng cao và anh tin rằng gia đình anh cũng như những người chăn nuôi heo ở Long An sẽ có một cái Tết vui tươi, phấn khởi.
“Hiện nay giá heo đã lên cao nên nỗi buồn đã qua đi, niềm vui đã tới, không chỉ riêng cá nhân mà những người nuôi heo ở địa phương cũng có thu nhập cao, đón Tết vui tươi, phấn khởi”, anh Dự nói.
Nói về anh Trương Công Dự, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An không tiếc lời khen ngợi. Bà Khanh cho biết, thời điểm khó khăn nhất của ngành nuôi heo cả nước, nhiều trang trại heo thua lỗ lớn nhưng anh Dự vẫn bám nghề, đấy là điều rất đáng trân trọng. Mặt khác, việc anh từ TP HCM về quê hương đầu tư đã góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, là tấm gương về lòng quyết tâm khởi nghiệp.
“Anh Dự củng cố, mở rộng đàn heo trên địa bàn vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội vừa thực hiện đúng chủ trương của Bộ NN&PTNT và của Tỉnh ủy về việc hạn chế chăn nuôi theo mô hình nông hộ, tập trung chăn nuôi theo mô hình trang trại lớn để kiểm soát dịch bệnh. Nếu không tính trang trại nuôi gia công cho các công ty, trang trại heo của anh Dự là một trong 10 trang trại lớn nhất của tỉnh Long An”, bà Khanh tự hào nói.
Từ niềm đam mê, khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, anh kế toán Trương Công Dự đã vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm để đang làm chủ một trang trại nuôi heo rộng 3 ha với hơn 800 con heo. Bên cạnh nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, anh Dự còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động có thu nhập ổn định với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai Thảo (quê ở Trà Vinh) đang là nhân công của trang trại heo của anh Dự cho biết, khi làm việc tại đây, họ cảm thấy hết sức thoải mái khi có ông chủ chu đáo và tận tâm với nghề.
“Anh Dự chu đáo và luôn quan tâm đến những người làm công. Với thu nhập của 2 vợ chồng là 15 triệu đồng/tháng, trách nhiệm của mình phải chăm sóc heo sạch sẽ, giảm ít nhất heo bị chết từ đó trang trại có chế độ xét xét thưởng”, chị Thảo cho biết.
Đến thăm và trò chuyện với anh Dự mới thấy hết niềm đam mê của anh đối với nghề chăn nuôi heo. Dù vẫn biết nghề chăn nuôi có nhiều bấp bênh, dễ thua lỗ nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh đã có được thành công như mong đợi./.
Việt Đức-Vinh Quang/VOV-TP HCM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.