• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhà vườn trồng hoa tết: Gặp nhiều yếu tố bất lợi

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 21/08/2019
Ngày cập nhật: 22/8/2019

Nhà vườn tập trung xuống giống hoa cúc - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Hiện các nhà vườn trồng hoa Tết ở phường 9, Bình Kiến (TP Tuy Hòa) tập trung vào vụ mới. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài nên các nhà vườn vào vụ với nhiều lo lắng.

Đồng loạt xuống giống cúc

Từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, các nhà vườn trồng hoa cúc ở phường 9 và Bình Kiến (TP Tuy Hòa) đã tất bật vào vụ trồng mới để chuẩn bị cho lứa cúc Tết sắp tới. Ông Trần Đình Trọng ở phường 9 cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng 500 chậu cúc, trong đó có 200 chậu cúc pha lê đã xuống giống sớm vì loại cúc này có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn, còn lại 300 chậu cúc đại đóa vừa mới xuống giống. So với mọi năm, năm nay giá cúc giống tăng hơn chút đỉnh từ 220.000-250.000 đồng/thiên (1 thiên: 1.000) tùy loại.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bình ở xã Bình Kiến, năm ngoái cả trăm chậu cúc nở muộn không kịp bán Tết nên gia đình ông giữ lại trồng làm giống. Hiện ông thuê người bấm đọt các chậu cúc này để xuống giống trồng vụ cúc mới.

Ông Bình cho biết: Đây không phải là vụ đầu ông làm giống kiểu này nên cũng đã có kinh nghiệm, cách làm này tiết kiệm được chi phí mua giống và chủ động được thời gian xuống giống chứ không phải chờ đợi như năm ngoái. Tuy nhiên, việc giữ cúc lại làm giống cũng chỉ thực hiện được 1 vụ chứ không dám làm thường xuyên vì sợ cây bị thoái hóa, ảnh hưởng đến chất lượng hoa.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến Nguyễn Thị Lan cho biết: Các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở địa phương đã tập trung cho vụ hoa Tết. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết nắng hạn, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây. Địa phương đã hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, phân thuốc nhưng cũng chỉ hỗ trợ phần nào cho cây, còn lại đều phụ thuộc vào thời tiết từ giờ đến cuối năm.

Trong khi nhiều nhà vườn lúc này mới bắt đầu xuống giống thì ở nhiều vườn cúc khác, những chậu cúc xuống giống được gần 10 ngày đã bắt đầu tách lá. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở phường 9 cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm ngoái do xuống giống trễ, gặp lạnh dịp cuối năm khiến cúc nở muộn nên năm nay gia đình tôi xuống giống sớm hơn, đến giờ cây cúc đã tách lá.

Theo các nhà vườn trồng cúc, để có thể vào vụ đúng lịch thì các nhà vườn phải thực hiện các công tác chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Cụ thể, bà con đã tiến hành đúc chậu, ủ đất, mua tăm, đặt giống từ đầu tháng tư. Hiện khó khăn nhất của người trồng cúc là thời tiết quá nắng nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cúc con.

Đối phó với vấn đề này, người trồng cúc phải dùng lưới che chắn kỹ các chậu cúc vừa xuống giống, đồng thời trực tưới thường xuyên hơn để cây cúc không bị mất nước. Năm nay, các nhà vườn còn gặp khó khăn nữa là diện tích trồng cúc bị thu hẹp, bà con phải giảm số lượng trồng.

“Lâu nay bà con tận dụng khu đất trống dọc đường Hùng Vương để trồng cúc. Nhưng giờ, nhiều diện tích đã được xây dựng các dự án mới nên chúng tôi chỉ còn trồng tại bãi đất trống gần Khu công nghiệp An Phú, vì vậy số lượng cúc xuống giống của mọi người giảm hẳn. Nếu như năm ngoái nhà tôi trồng 700 chậu thì năm nay chỉ còn trồng 400 chậu, đã trồng ít mà còn tốn thêm gần cả triệu đồng để khoan giếng lấy nước tưới”, ông Bốn Bân - một hộ trồng cúc ở khu vực này cho biết.

Tăng cường chăm sóc mai, quất

Trong khi các hộ trồng hoa cúc đang tập trung xuống giống thì những nhà vườn trồng mai, quất lại đang sốt sắng chăm sóc, điều trị bệnh cho vườn cây. Ông Lê Văn Bình ở xã Bình Kiến cho hay: Gần 1 tuần nay, sau đợt vô phân, vườn quất tự dưng đổ bệnh. Hầu hết bộ lá của quất đều xuất hiện lấm chấm vàng mà chúng tôi thường gọi là bệnh lá gấm. Hiện tôi phải mua thuốc điều trị ở đại lý phân thuốc về phun theo hướng dẫn, hy vọng sẽ chữa khỏi.

Năm nay gia đình tôi trồng gần 1.000 chậu quất từ 1-2 năm tuổi. Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, quất vào bông và hiện đã cho trái bằng hạt bắp. Đây là thời kỳ cây quất cần có sức để dưỡng trái nên nếu bị bệnh thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tỉ lệ trái sau này của vườn.

Không riêng vườn quất nhà ông Bình mà nhiều vườn quất của các hộ khác cũng đang có hiện tượng vàng lá tương tự. Lý giải vấn đề này, các nhà vườn cho rằng, do nắng hạn gay gắt nên các loại nấm gây bệnh phát sinh, lây nhiễm trên cây quất.

Còn tại các vườn trồng mai ở xã Bình Kiến, mấy ngày qua, bà con ở đây cũng tất bật cắt tỉa, tạo dáng lần hai cho mai. Bà Nguyễn Thị Hoa ở địa phương này cho hay: Thông thường mỗi năm nhà vườn chúng tôi sẽ làm nước cho mai hai lần, một lần vào tháng 1-2 âm lịch, lần nữa vào khoảng tháng 6-7 âm lịch, để tạo dáng cho mai. Bởi sau một thời gian sinh trưởng, cành nhánh không mọc theo ý mình nên phải uốn lại, nếu không cây sẽ bị phá thế, bán không được giá.

Ngoài tạo dáng, lúc này các nhà vườn còn tập trung chăm sóc, vô phân thuốc để giúp cây mai có sức chuẩn bị cho đợt vào bông sắp tới. Theo ông Nguyễn Văn Nam, một nhà vườn trồng mai ở phường 9, năm nay trời nắng cộng với gió nam thổi mạnh nên lá bị cháy viền, cây không ra được lá non, chúng tôi phải tăng cường vô phân để giúp mai có sức. Từ giờ đến vụ Tết sẽ còn 2 đợt vào phân nữa trước khi dứt phân hẳn, do vậy chi phí phân thuốc cho vườn mai năm nay cao gần gấp đôi so với mọi năm. Cùng với đó, mỗi ngày tôi phải tưới 3 lần nước thay vì 2 lần như trước đây.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang