• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu hoa Đà Lạt và rào cản giống có bản quyền

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 22/08/2019
Ngày cập nhật: 23/8/2019

Các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt làm ăn với các doanh nghiệp hoặc liên kết với nông dân sản xuất hoa tại Đà Lạt đã bày tỏ e ngại bản quyền giống hoa bị sao chép. Trong khi đó, cơ quan chức năng nhìn nhận, hạn chế về bản quyền giống rau hoa phục vụ xuất khẩu sẽ là câu chuyện đầy thách thức trong thời gian tới.

Nông dân chăm sóc hoa cúc để xuất khẩu sang Nhật Bản

“Vô tư” dùng giống hoa sao chép

Mới đây, Đoàn công tác của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) trong một lần đưa nhà đầu tư Nhật Bản gặp nông dân Đà Lạt để kết nối sản xuất hoa đã bày tỏ nhiều băn khoăn. Đó là lâu nay còn tồn tại thực trạng một số doanh nghiệp và các cơ sở nuôi cấy mô vô tư sử dụng một số giống hoa có bản quyền được nhập vào Đà Lạt.

Là doanh nghiệp FDI trồng và bán hoa nổi tiếng châu Á đóng tại Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm đã không dưới 4 lần làm việc với cơ quan chức năng phản ánh về việc giống hoa nhập có bản quyền bị doanh nghiệp, người dân sao chép. Theo ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, từ năm 2010, Dalat Hasfarm bắt đầu nhập giống cúc Calimero về trồng thử nghiệm để sản xuất hoa thương phẩm. Đây là giống mới hoàn toàn đơn vị được độc quyền kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, tới năm 2014, khi bắt đầu bán cúc Calimero tại thị trường nội địa thì chỉ khoảng 2 năm sau loại hoa cúc này được bán tràn lan.

“Những đơn vị sản xuất loại hoa trái phép này công khai đăng thông tin mua bán trên các diễn đàn của ngành hoa mà không một chút e dè. Hiện Dalat Hasfarm có hẳn một danh sách các đơn vị kinh doanh cúc Calimero đang bị sao chép và sắp tới bộ phận pháp lý của chúng tôi buộc phải có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với một số doanh nghiệp vi phạm trong câu chuyện này” - ông Bảo cho biết.

Trong khi đó, điều đáng buồn là câu chuyện người dân, doanh nghiệp tại Đà Lạt dùng giống hoa không có bản quyền lại là một thực tế khá phổ biến. Nhiều nông dân, doanh nghiệp kinh doanh hoa không hề để ý mình đang vi phạm những nguyên tắc bảo hộ của thế giới văn minh trong sản xuất.

Ông Trần Văn Hòa (nông dân Phường 8), một hộ trồng hoa đã hơn 10 năm tại Đà Lạt cho rằng, khi thị trường ưa chuộng giống hoa nào mới nổi, gia đình ông thường nhập giống cây con từ các công ty về trồng chứ không hề nghĩ mình đang vi phạm bản quyền giống, không rõ nguồn gốc. “Lâu nay người dùng, bạn hàng ưa chuộng loại nào thì chúng tôi mua giống về trồng. Việc mua cây giống không có bản quyền từ các công ty chúng tôi làm sao biết được. Trước giờ cũng không thấy đơn vị nào ý kiến hay kiện cáo gì nên thú thật là người dân trồng hoa như chúng tôi ít quan tâm” - ông Hòa bày tỏ.

Hỗ trợ nông dân tiếp cận giống có bản quyền

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, lâu nay người dân và một số cơ sở vườn ươm giống tại Đà Lạt sao chép giống hoa, trong đó có nhiều giống sao chép “lậu” hoặc các giống đã hết hạn bản quyền. Nguyên nhân chính người dân và doanh nghiệp trồng và kinh doanh hoa chưa quan tâm nhiều tới bản quyền là do tiêu thụ nội địa chiếm tới gần 90%. Một lưu ý khác là giống sao chép bằng phương pháp nuôi cấy mô có đặc tính sinh trưởng không thể bằng giống có bản quyền nên chỉ bán giá thấp, trong thị trường nội địa. Con số hơn 10% thị phần hoa xuất khẩu đều rơi vào các doanh nghiệp FDI, hoặc một số doanh nghiệp tại Đà Lạt làm hoa xuất khẩu thông qua liên kết hợp tác với đối tác nước ngoài.

Theo ông Hưng, để hỗ trợ nông dân tiếp cận các giống hoa có bản quyền, năm 2018, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, đã mua bản quyền giống rau hoa với gần 110 nghìn cây giống. Năm 2019, tiếp tục nhập khẩu gần 350 nghìn cây giống của 22 chủng loại rau hoa từ các nước Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Tất cả các cây giống đều có bản quyền để cung ứng cho nông dân trồng trọt đi kèm những cam kết bảo hộ bản quyền giống. Ông Hưng cho rằng đây là đầu tư ban đầu có tính nền tảng để tạo thói quen sử dụng giống có bản quyền của nông dân Đà Lạt.

Được biết, người trồng hoa Đà Lạt mỗi năm đã xuất khẩu được khoảng 310 triệu cành và ngày một tăng, chiếm 12% tổng sản lượng hoa của Đà Lạt (hơn 3,1 tỷ cành) nên thị phần xuất khẩu còn khoảng trống rất lớn.

Hiện diện tích sản xuất hoa ở Đà Lạt lên tới gần 9.000 hecta. UBND tỉnh Lâm Đồng đang có chủ trương phát triển sản xuất hoa theo mô hình Nhật, đồng thời sớm đưa vào xây dựng sàn giao dịch hoa chất lượng cao, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hoa ngay tại Đà Lạt, mặt khác minh bạch giá bán, để nâng lợi nhuận cho nông dân. Và để thực hiện được hướng phát triển ngành hoa Đà Lạt bền vững như trên, ngoài vấn đề điều chỉnh toàn diện công nghệ sản xuất để đáp ứng thị trường thì câu chuyện bản quyền giống hoa cần được cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người trồng hoa quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

C.PHONG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang