• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những ‘nhà khoa học’ nông dân

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 24/08/2019
Ngày cập nhật: 25/8/2019

Bằng sự nhạy bén, ham học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn lao động, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã tạo ra sản phẩm hữu ích, phương pháp mới trong sản xuất. Qua đó giúp tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhà nông. Báo Bắc Giang giới thiệu một số cách làm sáng tạo.

Chế phẩm sinh học diệt ruồi vàng

Có nhiều kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Khương (SN 1977), thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) tìm tòi, điều chế ra một loại sản phẩm có nguồn gốc sinh học để diệt ruồi vàng hại quả.

Ông Nguyễn Văn Khương, thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) sử dụng chế phẩm chống ruồi vàng tại vườn bưởi của gia đình.

Được biết, trước kia với hơn 5,4 nghìn m2 đất quanh năm trồng su su, mướp đắng nhưng quả đang trong thời kỳ phát triển thường bị thối, vàng, rụng không được thu hoạch. Qua quan sát và tìm hiểu, ông chủ vườn biết bệnh này do một loại ruồi vàng gây hại.

Phần lớn quả bị côn trùng chích hút sẽ không phát triển dẫn tới thối, rụng, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Để hạn chế thiệt hại, nhà vườn phải phun nhiều lần thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, cứ sau một tuần phun thuốc là ruồi xuất hiện trở lại gây hại.

Quyết tâm tìm ra phương pháp hạn chế ruồi vàng gây hại trong sản xuất, ông Khương đã mày mò nghiên cứu tạo ra chế phẩm ngay từ những nguyên liệu sẵn có như: Gạo, hạt na, hạt củ đậu, tỏi… Năm 2005, sau khi chế tạo, phối trộn thành công nguyên liệu, ông Khương dùng thử nghiệm cho diện tích su su và mướp đắng của gia đình. Ngay sau một ngày sử dụng ruồi bay đi hết; thời gian ruồi quay lại cũng khá lâu.

Nhận thấy hiệu quả khả quan, ông tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, tất cả những nguyên liệu như: Gạo, hạt na, hạt củ đậu, tỏi… đều được ủ lên men; sau đó nghiền thành bột trộn đều với nhau theo tỷ lệ thích hợp. Tiếp tục sử dụng bột đã phối trộn hòa tan trong nước với tỷ lệ 1 gam chế phẩm với 20 lít nước rồi đổ thấm ướt vào mặt dưới của một miếng xốp, nhựa để che được nước mưa tránh rửa trôi dung dịch và treo trên thân cây với mật độ khoảng 2 m.

Với phương pháp này, ngoài diện tích su su, mướp đắng, 6 năm qua hơn 300 gốc bưởi Diễn của gia đình ông không bị ruồi gây hại, mã đẹp, sản phẩm bảo đảm chất lượng; mỗi năm cho thu về hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Danh Thắng cho biết: “Trước mắt việc nghiên cứu sử dụng thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh của ông Khương đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Hội Nông dân tỉnh cùng cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, xem xét, đánh giá khoa học để đưa ra công thức, nồng độ chuẩn trước khi nhân rộng”.

Gậy cắt tỉa cành cây, hái quả

Yêu nghề nông, ông Nguyễn Văn Nhẫn (SN 1973), thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) đã cải tiến nhiều loại máy móc, công cụ phục vụ bà con.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) sản xuất gậy cắt tỉa cành cây, hái quả.

Nhà có cây sấu to, gần chục năm trước, mỗi khi đến mùa thu hoạch cả gia đình ông lại tập trung loay hoay đủ cách mà vẫn không sao hái hết những quả trên ngọn. Cùng đó việc cắt tỉa cành vệ sinh cho cây đón vụ mới lại càng khó khăn hơn bởi cây khá cao.Từ thực tế này, năm 2011, ông Nhẫn quyết tâm sáng chế ra chiếc gậy giúp hái quả và cắt tỉa cảnh cây tiện lợi.

Chiếc gậy có thiết kế khá đơn giản. Thân gậy làm bằng cây trúc dài từ 5-7 m, đầu gậy có gắn lưỡi thép thiết kế theo dạng kìm cộng lực nối với nhau bằng dây kéo. Người sử dụng chỉ cần đưa lưỡi thép vào đúng vị trí cành cần tỉa và dùng sức bóp chặt kìm cộng lực phía dưới là hoàn thiện công việc. Khi người dùng sử dụng để hái quả có thể gắn thêm vào đó túi vải để quả không bị rơi xuống đất.

Ban đầu sản phẩm được ông sử dụng trong gia đình. Sau đó nhiều người biết tới đã đến đặt mua. Từ đó đến nay, ông Nhẫn sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm chiếc gậy cắt tỉa cành và hái hoa quả với giá chỉ hơn 100 nghìn đồng/chiếc. Tiếng lành đồn xa, hiện nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng trong huyện cũng đến tận nhà ông đặt hàng để kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thìn ở thôn Ngân Đài cùng xã chia sẻ: “Nhà tôi có 300 cây ăn quả các loại. Trước đây, việc cắt tỉa cành cây hay thu hái quả đều phải leo trèo. Hai năm nay, sử dụng chiếc gậy cắt cành của ông Nhẫn, tôi chỉ cần đứng dưới đất điều khiển gậy là có thể hái quả hay tỉa cành đều được. Trường hợp có tổ ong, tổ kiến cũng không sợ bị chúng đốt như trước kia”.

Không chỉ sáng tạo ra chiếc gậy cắt cành, hái quả, ông Nhẫn còn cải tiến các loại máy cấy kéo tay, máy cấy chạy bằng mô tơ (bán tự động), máy cấy mạ dược, máy tuốt hạt ngô, máy thái cỏ voi, dụng cụ tra phân, gieo hạt tự phục vụ sản xuất của gia đình.

Nhân giống nấm bằng dịch thể

Thông thường, giống nấm được sản xuất theo cách truyền thống là sử dụng chất rắn (ngô, thóc và que sắn...) sau đó cấy phôi giống và nuôi dưỡng tại môi trường đó. Thế nhưng, anh Lương Văn Tú (SN 1979), thôn Chùa, xã Dương Đức (Lạng Giang) đã nhân giống nấm bằng dịch thể (ở dạng chất lỏng).

Mô hình sản xuất nấm bằng dịch thể của anh Lương Văn Tú, thôn Chùa, xã Dương Đức (Lạng Giang).

Phương pháp này giống nấm được nuôi dưỡng trong môi trường dịch thể thông qua quá trình khuấy lắc hoặc đảo trộn thông khí không ngừng, tạo điều kiện để sợi nấm luôn tiếp xúc với dinh dưỡng và oxy giúp giống sinh trưởng mạnh.

Sau hai năm sản xuất nấm theo phương pháp truyền thống, năm 2018, anh nhận thấy cách làm này vừa tốn thời gian, chi phí cao, cho hiệu quả thấp. Vì vậy, anh tự nhủ cần cải tiến phương pháp cũ. Sau một tháng đọc các tài liệu và thực nghiệm tại gia đình, anh đã tìm ra cách nhân giống bằng dịch thể.

Áp dụng với 50 bịch giống đầu tiên cho thấy, thời gian nhân giống theo phương pháp mới giảm khoảng 8-9 ngày so với cách làm thông thường. Độ đồng nhất của giống đạt hơn 90%; chi phí đầu tư giảm một nửa. Sau khi áp dụng thành công đã giải quyết được những mặt hạn chế của cách nhân giống truyền thống.

Đến nay, toàn bộ diện tích canh tác của anh đều áp dụng nhân giống bằng dịch thể. Bình quân mỗi năm anh sản xuất hàng chục nghìn bịch giống nấm gồm: Linh chi, mộc nhĩ, sò, đông trùng hạ thảo phục vụ sản xuất của gia đình và người dân xung quanh; cho thu về 300- 600 triệu đồng/năm.

Theo kinh nghiệm của anh Tú, lưu ý quan trọng nhất trong quá trình nhân giống nấm bằng cách mới là công đoạn cho dịch thể vào phần thóc đã luộc chín cần bảo đảm tỷ lệ và đóng kín bằng túi ni-lông, tránh sự xâm nhập của các loại nấm mốc. Sau đó để vào chỗ kín, ít ánh nắng mặt trời; 4 ngày sẽ thu được sản phẩm.

Biện pháp này vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình sản xuất của anh Tú được Hội Nông dân huyện hỗ trợ kinh phí mở rộng sản xuất, đồng thời triển khai học tập tới người dân trồng nấm trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả.

Hoàng Phương- Đỗ Tập

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang