• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 10/12/2019
Ngày cập nhật: 11/12/2019

Phát triển các trang trại quy mô để sản xuất tập trung là hướng phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các trang trại ở tỉnh Quảng Ninh vẫn được đánh giá là chưa tận dụng hết được tiềm năng, lợi thế.

Mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Danh Thuyên (thôn Đè E, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ).

Một trong những hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp được các địa phương lựa chọn, đó là khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành nên những trang trại chăn nuôi, trồng trọt tập trung, quy mô lớn và có áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; vay vốn tín dụng; hỗ trợ mua con giống, cây giống; ứng dụng KHCN…, các địa phương tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đều có chính sách khuyến khích riêng, tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển kinh tế trang trại trong nhân dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 472 trang trại đang hoạt động. Trong đó có: 17 trang trại hoạt động dịch vụ trồng trọt, 230 trang trại hoạt động dịch vụ chăn nuôi, 5 trang trại hoạt động dịch vụ lâm nghiệp, 142 trang trại hoạt động dịch vụ thủy sản và 78 trang trại hoạt động dịch vụ tổng hợp.

Phần lớn các trang trại đều tận dụng, khai thác hiệu quả phần đất nông, lâm nghiệp và thủy sản được chính quyền giao, cấp hằng năm, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ.

Mô hình trang trại trồng na của hộ ông Phạm Văn Căn (thôn Đìa Mối, xã An Sinh, TX Đông Triều).

Theo báo cáo của các địa phương, tổng số lao động trang trại sử dụng đến thời điểm này khoảng 2.625 người. Trong đó, lao động gia đình 1.344 người, lao động thuê thường xuyên 996 người, lao động thuê thời vụ 285 người, góp phần tạo ra giá trị hàng hóa lớn, với tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản trong các trang trại đạt trên 670 tỷ đồng/năm (trung bình trên 1,4 tỷ đồng/trang trại).

Điển hình trong số đó phải kể đến trang trại làm ăn hiệu quả của ông Bùi Ngọc Liêm, nuôi trồng thủy sản tại khu 9, phường Hải Hòa (TP Móng Cái). Trang trại của gia đình ông có quy mô sản xuất 13ha, với tổng giá trị tài sản đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vốn sản xuất 65 tỷ đồng; tổng giá trị sản phẩm hàng hóa thu được từ sản xuất khoảng 10 tỷ đồng/năm. Hay như trang trại của ông Bùi Tiến Lưu, chăn nuôi lợn tại thôn An Biên, xã Lê Lợi (Hoành Bồ) có quy mô sản xuất 1,5ha, với tổng giá trị tài sản 6,5 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vốn sản xuất, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa thu được từ sản xuất khoảng 2 tỷ đồng/năm. Hoặc là trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Danh Thuyên, thôn Đè E, xã Lê Lợi (Hoành Bồ) ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa Lan và nhân giống cá song, cá vược, cá chim vây vàng, có quy mô 3ha, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa thu được từ sản xuất gần 10 tỷ đồng/năm.

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đến nay làm ăn hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế lớn từ việc tận dụng quỹ đất nông nghiệp và mạnh dạn đầu tư quy mô, có trọng tâm, trọng điểm vào những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, số trang trại được hình thành ở Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng, ruộng đất nông, lâm nghiệp còn để hoang hóa, gây lãng phí. Đáng chú ý, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 461.570ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích phát triển trang trại mới khoảng 2.410ha, bình quân mỗi trang trại sử dụng trên 5ha.

Hiện nay có một nghịch lý đang tồn tại, đó là: Nhiều tổ chức, cá nhân có tiềm lực, muốn đầu tư, hình thành nên các trang trại, thế nhưng lại không có ruộng đất; ngược lại, nhiều tổ chức, cá nhân có đất nhưng lại không có tiềm lực, thậm chí lợi dụng chính sách, giữ đất sau đó để hoang hóa, chờ sự đền bù của nhà nước khi có dự án lấy vào.

Để khuyến khích hình thành, phát triển thêm nhiều trang trại, các sở, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc rà soát những diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng có thể canh tác; nắm bắt tình hình tư tưởng trong cộng đồng dân cư về nhu cầu được sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nhất là đối với những sản phẩm OCOP. Từ đó khuyến khích, định hướng, làm cầu nối gắn kết giữa hai bên “bên có đất, bên có tiềm lực”, hình thành nên những trang trại kiểu mẫu.

Mạnh Trường

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang