• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Hiệu quả lớp học IPM trên cây lúa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 19/07/2019
Ngày cập nhật: 20/7/2019

Thực hành tốt các kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp; giảm chi phí đầu vào, giảm lượng hóa chất trên đồng ruộng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, đồng thời tăng năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… là những kết quả đạt được từ lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Lớp học IPM thực hành trên cây lúa vụ Xuân 2019 tại xã Hoàng Đan (Tam Dương)

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai 7 lớp học tập huấn về IPM trên cây lúa tại 7 xã: Minh Quang (Tam Đảo), Vũ Di (Vĩnh Tường), Hoàng Đan (Tam Dương), Đồng Thịnh (Sông Lô), Văn Tiến (Yên Lạc), Cao Minh (thành phố Phúc Yên) và Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên). Thời gian khóa tập huấn kéo dài cả một vụ sản xuất lúa với nội dung đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Theo ông Trần Thế Bắc, xã Văn Tiến (Yên Lạc), trước đây, các lớp tập huấn chủ yếu được tổ chức tại hội trường, thời gian thực hành không có nhiều. Với lớp học IPM thì khác, đồng ruộng chính là lớp học, cây trồng và các yếu tố trong hệ sinh thái đồng ruộng như đối tượng sinh vật gây hại, sinh vật có ích liên quan tới cây trồng là công cụ học tập. Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng quan sát, thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm, sau đó học viên về lớp thảo luận theo từng tổ, nhóm về sinh trưởng của cây lúa, đất, nước, sinh vật gây hại, thiên địch và vẽ bức tranh hệ sinh thái ruộng lúa, đồng thời đưa ra các ý kiến để xử lý vấn đề liên quan. Sau đó, đại diện từng nhóm lên trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cây lúa, phân tích tình trạng cây lúa ở từng thời điểm và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả.

Qua đây, học viên vừa được nâng cao kiến thức chuyên môn vừa rèn luyện kỹ năng báo cáo, thuyết trình. Hơn nữa, tại lớp học này, chúng tôi được tìm hiểu sâu về cây lúa qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, được trực tiếp bố trí thực hành trên đồng ruộng. Chính vì vậy mà kiến thức chuyên môn cũng như tay nghề của học viên được nâng cao rất nhiều.

Theo bà Trương Thị Sinh, xã Minh Quang (Tam Đảo), với phương pháp thảo luận nhóm và thực hành tại đồng ruộng nên chúng tôi nắm được những kỹ năng chuyên môn kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Quan trọng hơn, chúng tôi được thực hành thực tế theo các phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng; ghi chép, thu thập mẫu sâu bệnh hại, thiên địch trên ruộng thực hành; thảo luận các vấn đề kỹ thuật trồng cây lúa như giai đoạn cây mạ, đẻ nhánh, ôm đòng, trỗ bông, phơi màu, chín sáp và giai đoạn chín hoàn toàn để đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề một cách cụ thể và hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi còn trực tiếp thí nghiệm nuôi sâu cuốn lá nhỏ để theo dõi vòng đời, mức độ gây hại, tập tính của chúng… phục vụ công tác dự báo tình hình sâu bệnh và đề ra phương pháp phòng trừ, bảo vệ cây lúa một cách hiệu quả nhất.

Hiệu quả những lớp tập huấn IPM trên cây lúa được minh chứng bằng vụ xuân vừa qua. Qua kết quả theo dõi sinh trưởng, phát triển của mô hình IPM tại xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thấy: Do ruộng IPM cấy thưa, bón phân cân đối nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, thời gian đẻ nhánh, trỗ bông đều sớm hơn so với ruộng đối chứng và hạn chế tối đa bệnh khô vằn gây hại. Năng suất đạt gần 238 kg/sào, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 216 kg/sào. Sau khi hạch toán cho hiệu quả kinh tế cao hơn 260 nghìn đồng/sào so với ruộng đối chứng, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sâu bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường nông nghiệp.

Theo ông Phan Văn Trực, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với phương pháp “học đi đôi với hành” dưới sự hỗ trợ của giảng viên, học viên trực tiếp thực hành trên đồng ruộng, lớp học IPM đã phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu đồng ruộng của nông dân, giúp các hộ nông dân nâng cao kiến thức trong việc nhận biết, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả không ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời trở thành “chuyên gia” hướng dẫn và chuyển giao kiến thức cho các hộ nông dân khác.

Ông Trực cho biết thêm: Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng IPM trên cây lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục mở các lớp huấn luyện IPM trên các cây trồng khác; huấn luyện cho nông dân về IPM trên cây rau, cây ngô và cây ăn quả với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 90% số xã, thị trấn sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng để ứng dụng hiệu quả về IPM.

Bài, ảnh Lâm Hải

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang