• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ khó cho người trồng mía

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 17/09/2019
Ngày cập nhật: 20/9/2019

Bao tiêu sản phẩm, thời gian vào vụ, chính sách thu mua... là những vấn đề băn khoăn được ngành chức năng và người dân đặt ra đối với các nhà máy đường trước khi vụ thu hoạch mía sắp bắt đầu.

Nông dân mong Casuco xem xét giá thu mua mía hợp lý để giúp bà con có điều kiện tái sản xuất vụ sau.

Chưa thể vào vụ ép

Vụ mía 2019-2020 này, khả năng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ có một nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) còn hoạt động để mua mía cho người dân. Theo kế hoạch ban đầu Casuco đề ra là dự kiến Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ bắt đầu vụ ép vào ngày 15-9 vừa qua và trong tháng 9 này sẽ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn mía cho nông dân. Tuy nhiên, sau thời gian dự kiến mà Casuco vẫn chưa đi vào hoạt động đã tạo ra tâm lý lo lắng cho ngành chức năng và người dân, nhất là những địa phương có giống mía chín sớm ROC 16 đã đến ngày thu hoạch.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, đơn vị có diện tích mía lớn nhất tỉnh, thông tin: “Qua rà soát thời gian xuống giống của giống mía chín sớm ROC 16 thì địa phương xây dựng kế hoạch là trong tháng 9 này sẽ có khoảng 1.300ha mía đã đến ngày cần thu hoạch vì đã đạt độ chín và chữ đường (CCS). Kế hoạch của địa phương cũng được ngành nông nghiệp tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Casuco vẫn chưa vào vụ ép nên phần nào tạo áp lực cho những hộ có mía chín sớm trong lúc này. Bởi, mía quá ngày thu hoạch sẽ bị trổ cờ nên phần nào làm giảm năng suất và CCS, từ đó kéo theo giảm giá bán, trong khi giá mía năm nay dự báo không được cao do sự khó khăn chung của ngành mía đường.

Cùng nỗi lo lắng, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho hay: Vụ mía này, nông dân Ngã Bảy xuống giống được gần 1.000ha, trong đó giống mía chín sớm ROC 16 chiếm đến hơn 80% (cả tỉnh chiếm trên 52%) và hiện nhiều diện tích đã đến ngày thu hoạch. Do đó, địa phương mong Casuco xem xét sớm vào vụ ép để mua mía cho nông dân.

Lý giải nguyên nhân chưa thể vào vụ ép trong lúc này, lãnh đạo Casuco cho biết từ đầu tháng 9 đến nay đơn vị đã cử nhân viên đi lấy mẫu CCS 2 lần để xem xét và quyết định ngày vào vụ ép mía. Thế nhưng, kết quả lấy mẫu CCS cho thấy, hiện mía đạt 10 CCS chiếm tỷ lệ rất ít, đa phần dao động từ 5-7 CCS, thậm chí có mẫu mía chỉ đạt 3,2 CCS. Do sản lượng mía đủ độ chín chưa nhiều và CCS thấp, nếu vào vụ ép trong lúc này sẽ gây thiệt hại cho nông dân và tổn thất cho doanh nghiệp, nhất là giá mía chắc chắn sẽ không cao do CCS quyết định giá mía. Ngoài những nguyên nhân trên thì hiện tình hình nước lũ không cao, chưa gây áp lực lớn nên nhà máy đường chưa vội vào vụ.

“Chính những lý do trên nên Casuco chưa thể vào vụ ép mía trong lúc này. Dự kiến, Casuco sẽ vào vụ đầu tháng 10 tới và thời gian cụ thể sẽ thông báo cho người dân biết trước từ 1-2 tuần. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn sau khi đơn vị phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đi kiểm tra CCS lại lần nữa, đồng thời rà soát cụ thể về diện tích mía hiện nay đã đến ngày thu hoạch là bao nhiêu để quyết định thời gian cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Trường hợp diện tích mía hiện đến ngày thu hoạch ít và phải đợi thêm nhiều hộ thì phía Casuco sẽ nắm lại danh sách này để có chính sách hỗ trợ cho bà con khi phải thu hoạch quá ngày đốn làm giảm CCS”, ông Lê Hồng Thái, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Casuco, khẳng định.

Những cam kết của Casuco

Cam kết thu mua hết mía trong dân của người đứng đầu Casuco làm cho ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương và nông dân trồng mía cảm thấy an tâm hơn. Bởi, theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, công ty chỉ mới ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía Hậu Giang được 4.042ha, sản lượng 277.090 tấn, với giá là 700 đồng/kg mía sạch, 10 CCS tại ruộng; trong khi tổng diện tích mía của tỉnh trong vụ này là 8.147ha.

Sở dĩ Casuco cam kết mua hết mía của Hậu Giang là bởi sau khi công ty rà soát thì trong vụ mía này toàn vùng ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy đường hoạt động (Casuco đều có cổ đông) là nhà máy đường ở Sóc Trăng, Trà Vinh và Hậu Giang. Trong khi sản lượng mía của toàn vùng trong vụ mía này tại các địa phương còn có mía ước đạt chưa tới 1,1 triệu tấn mía (Hậu Giang 300.000 tấn, Trà Vinh 130.000 tấn, Sóc Trăng 220.000 tấn và Kiên Giang 400.000 tấn). Với sản lượng trên thì chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất của 3 nhà máy đường trong vùng. “Đang lo thiếu nguồn mía nguyên liệu hoạt động nên không có lý do gì mà Casuco không mua mía của bà con. Tuy nhiên, Casuco chỉ thay đổi chính sách thu mua là không mua mía trực tiếp với thương lái như những vụ trước mà mua mía với người dân để người trồng mía không phải chia sẻ tiền lợi nhuận cho thương lái. Do đó tới đây, Casuco tiếp tục ký kết hợp đồng với bà con, trường hợp hộ nào không có hợp đồng thì Casuco cũng mua mía để đảm bảo hết diện tích cho Hậu Giang như lời cam kết”, người đứng đầu Casuco, ông Lê Hồng Thái cho biết thêm.

Cũng theo ông Thái, do Casuco mua mía trực tiếp với dân và năng suất, CCS được xác định tại nhà máy đường nên dự kiến Casuco sẽ trả tiền mua mía cho người dân sau khoảng 10 ngày bán mía. Tuy nhiên, Casuco đã dành sẵn nguồn kinh phí cho những hộ nào có nhu cầu ứng một phần tiền bán mía trước để trả tiền thuê nhân công đốn chặt. Số tiền tạm ứng sẽ được trừ trở lại khi Casuco trả tiền mía cho bà con. Riêng về kiến nghị của lãnh đạo một số địa phương trong việc xem xét giảm trừ tạp chất cho người dân (vì đây là phương thức thu mua lần đầu), nhất là mía ngã bị mọc rễ. Vấn đề này Casuco không chấp thuận mà thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết, tuy nhiên có thể xem xét hỗ trợ ở mặt khác để tạo thói quen cho bà con về việc sản xuất mía sạch trước khi đưa về nhà máy nhằm giảm chi phí ở nhiều khâu.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngoài tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho người trồng mía thì ngành cũng đề nghị phía công ty xem xét mức giá thu mua mía cho người dân sắp tới đây như thế nào hợp lý để đảm bảo bà con có lời và tạo điều kiện tái sản xuất vụ sau. Bởi, qua tính toán sơ bộ của đơn vị, giá thành sản xuất mía của nông dân Hậu Giang trong vụ này ước khoảng 675,8 đồng/kg, trong khi giá bao tiêu chỉ 700 đồng/kg. Nếu Casuco giữ mức giá thu mua như hợp đồng thì nông dân sẽ không có lợi nhuận, từ đó chuyện người dân chủ động bỏ mía để chuyển sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn là khó tránh khỏi, khi đó Casuco sẽ mất vùng mía nguyên liệu…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang