• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kỳ vọng từ cây chanh leo

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 09/03/2020
Ngày cập nhật: 14/3/2020

Giá trị kinh tế từ cây chanh leo mang lại cho người dân các xã tham gia dự án trồng chanh leo theo hướng liên kết trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã được khẳng định, mở ra hướng đi mới để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh niềm tin rằng đây chính là một trong những loại cây trồng có khả năng “xóa đói giảm nghèo”, hiện tại người trồng chanh leo ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa còn gặp không ít khó khăn trong việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm đến đơn vị thu mua theo cam kết.

Chia sẻ với người dân về cách thức chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: TT

Chanh leo, cây “xóa đói giảm nghèo”

Ông Hồ Quốc Long, thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng khẳng định chắc nịch: “Chanh leo là cây “xóa đói giảm nghèo”” khi nói về giá trị kinh tế mà cây chanh leo mang lại cho gia đình ông cũng như các hộ dân trong vùng khi triển khai thực hiện. Cùng với các hộ dân trong vùng, tháng 7/2019, ông Long chuyển đổi đất trồng tiêu sang trồng chanh leo với diện tích 3.000 m2 ngay trong vườn nhà. Tận dụng số lượng cây đã trồng sẵn làm trụ leo cho cây tiêu, ông Long chỉ chi phí khoảng 15 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước tưới, làm giàn cho chanh leo. Được hỗ trợ một nửa về giá giống nên chi phí ban đầu bỏ ra nằm trong khả năng của gia đình. Sau hơn sáu tháng chăm sóc cây theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, đầu tháng 2 vừa qua gia đình ông đã thu hoạch lứa quả bói đầu tiên. Ông Long cho biết ước tính trừ các chi phí như phân bón, giống, bình quân mỗi cân chanh leo thu được 13.000 đồng, tổng cộng ông bán được 5 tạ chanh leo, thu về 6,5 triệu đồng . “Sắp tới đây tôi sẽ tiếp tục thu hoạch lứa thứ hai, lứa này hứa hẹn năng suất và chất lượng trái sẽ cao hơn. Nếu chịu khó tuân thủ quy trình sản xuất và sản phẩm được bao tiêu như hiện nay thì cây chanh leo chính là loại cây góp phần tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, cà phê của Hướng Phùng”, ông Long chia sẻ.

Năm 2018, các bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Đến tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập với 18 hộ tham gia. Ngoài ra, tại địa bàn hai xã A Túc và A Xing, Công ty TNHH Huế Đà - thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 2 mô hình với diện tích 4 ha.

Trong mô hình trồng chanh leo tại Hướng Hóa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn, theo dõi, giám sát mô hình theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán quả chanh leo. Công ty cũng cam kết thu mua 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong trường hợp giá thị trường giảm thấp vẫn phải thu mua theo giá bảo hiểm (4.000 đồng/kg)... Thực hiện đúng cam kết, ngay từ vụ thu hoạch chanh leo đầu tiên, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã thu mua khoảng 2 tấn chanh leo quả tươi của người dân để chế biến thành các sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có gần 50 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích hơn 35 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Đối với các vườn trồng theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, nhờ tuân thủ tốt quy trình chăm sóc nên năng suất lên tới 30 - 45 tấn/ha, tỉ lệ chanh loại A1, A1 Vip, A2, A2 Vip đạt từ 41,05 - 54,41% trên tổng lượng quả, mang lại lợi nhuận cho người trồng hơn 100 triệu đồng/ha.

Từ thành công bước đầu các mô hình trồng mới cây chanh leo ở một số xã của huyện Hướng Hóa đã tạo cơ hội cho người nông dân nơi đây nâng cao thu nhập, đồng thời là cơ sở để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh.

Để chất lượng đảm bảo từ nhà vườn đến nhà máy

Giá trị của quả chanh leo đã được khẳng định, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo…Nhờ có sự liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên người dân đã yên tâm đầu tư chăm sóc cây chanh leo để đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Tuy vậy, trong sản xuất chanh leo, người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

Anh Hồ Minh Phong, ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, người tham gia mô hình trồng chanh leo liên kết từ năm 2018 cho biết: “Trong quá trình chăm sóc cây cũng như thu hoạch quả, người dân rất cố gắng để làm sao càng có nhiều quả đạt chất lượng nhằm thu lại giá trị kinh tế cao. Giá chênh lệch giữa chanh hạng A1, A1 Vip và hạng A2 là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, người trồng chanh leo ở trên địa bàn vẫn đang phải tự túc khâu đóng gói, vận chuyển sản phẩm từ Hướng Phùng ra thị trấn Khe Sanh, gửi xe khách đi Hà Nội nhập hàng cho công ty. Như vậy, số lượng nhiều quả khi thu hái mẫu mã rất đẹp, khả năng xếp hạng A1, A1 Vip nhưng trong quá trình vận chuyển đường xa bị xây xát, ra đến nơi bộ phận kiểm soát của công ty đánh giá không đạt thì sẽ có giá thấp hơn”.

Ông Hồ Quốc Long, thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng kiến nghị: “Đối với quả chanh leo này, người thu hoạch phải đeo bao tay cẩn thận để quả không bị trầy xước, đóng gói thận trọng. Nhưng quãng đường vận chuyển xa, chưa kể mất nhiều ngày, chanh leo là quả mọng nước nhưng bảo quản không đạt thì sẽ giảm chất lượng. Mong muốn lớn nhất của người dân là có nhà máy chế biến chanh leo đặt tại Quảng Trị để giải quyết vấn đề này, có như vậy giá trị của quả chanh leo mới xứng đáng với công người trồng đầu tư”.

Được biết, hiện công ty chưa triển khai thu mua tại vườn là bởi lý do diện tích, sản lượng thu hoạch vẫn còn ít, do vậy trước mắt người trồng buộc phải tự túc việc vận chuyển sản phẩm ra thị trấn để gửi đi cho công ty.

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc vào tháng 3/2019 về dự án liên kết sản xuất, phát triển cây chanh leo, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở rộng diện tích trồng chanh leo với quy mô dự kiến phát triển năm 2019-2020 là 100 ha, định hướng đạt 500 ha vào năm 2025. Ngoài việc mở rộng diện tích, hai bên cũng thống nhất phương án nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Cuối năm 2019, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho liên doanh Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Thành Hưng lập dự án và triển khai xây dựng Nhà máy chế biến chanh leo tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh. Như vậy, cùng với việc mở rộng diện tích trồng chanh leo đối với nhiều huyện trong tỉnh, khi nhà máy chế biến chanh leo đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc khâu nối từ sản xuất, thu mua, chế biến, nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng.

Thanh Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang