Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 06/01/2020
Ngày cập nhật:
10/1/2020
Ở Hưng Yên, cam đường canh được trồng chủ yếu ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên... Khí hậu hiền hòa và chất đất phù sa màu mỡ đã giúp cam đường canh Hưng Yên có chất lượng vượt trội, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, mùi thơm mát đặc trưng mà cam đường canh trồng ở các vùng khác khó có thể so sánh.
Vườn cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Đình Thấm ở thôn Thọ Bình, xã Tân Dân (Khoái Châu)
Hàng năm, cứ đến tầm tháng 11, tháng 12 (âm lịch), ruộng đồng xã Tân Dân (Khoái Châu) lại rực lên sắc cam đường canh chín. Nhìn những luống cam đều tăm tắp, quả chín đỏ rực hòa trong màu xanh thẫm của lá thật thích mắt. Hiện nay, toàn xã có trên 100 mẫu trồng cam các loại thì có tới 77 mẫu trồng cam đường canh.
Đến thăm vườn cam đường canh của gia đình anh Nguyễn Đình Thấm ở thôn Thọ Bình đúng vào vụ thu hoạch. Những cây cam cao quá đầu người sai trĩu quả, phải dùng gậy để chống đỡ. Với hơn 4 mẫu cam đường canh, qua 18 mùa cam nếm đủ cả cay đắng, ngọt bùi, anh Thấm đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá.
Anh Thấm cho biết: “Trồng cam đường canh không khó, loại cây này cũng ít mắc bệnh hơn so với cam Vinh. Yếu tố quan trọng nhất để trồng cam đường canh thành công là phải lựa chọn được cây giống chuẩn, khỏe mạnh, sạch bệnh. Cây giống sau khi trồng từ 2 - 3 năm có thể cho thu hoạch quả và khai thác trong 6 - 8 năm mới phải trồng lại”.
Năm nay, gia đình anh Thấm ước tính thu khoảng 8 tấn cam đường canh, với giá bán hiện nay là 30.000 - 38.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Xã Quảng Châu hiện có diện tích cam đường canh lớn nhất ở thành phố Hưng Yên với 32ha. Hơn 10 năm trước, người dân trong xã bắt đầu đưa loại cây này vào canh tác. Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây cam đường canh, do đó, chất lượng quả cao, giữ được vị đặc trưng của cam đường canh. Từ đó, xã Quảng Châu đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cây ăn quả để mở rộng diện tích trồng cam đường canh trong xã.
Dẫn khách đi thăm vườn cam đường canh sai trĩu quả, anh Trần Văn Cần ở thôn 1, xã Quảng Châu cho biết: “Cách đây 6 năm, gia đình tôi bắt đầu trồng 1 mẫu cam đường canh. Trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc dựa trên kinh nghiệm, khi tham gia Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu, tôi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hành trồng cam theo quy trình VietGAP nên năng suất cam tăng, chất lượng ngon ngọt hơn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cam đường canh của gia đình anh Cần bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 11 âm lịch và được thương lái đến tận vườn mua. Năm nay, gia đình anh thu khoảng 8 tấn quả, bán giá trung bình từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, ước thu lãi trên 200 triệu đồng từ cam đường canh.
Anh Nguyễn Văn Biết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Châu cho biết: Những năm gần đây, cây cam đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nông dân trong xã, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ trồng cam. Trong đó, giống cam đường canh không chỉ cho chất lượng vượt trội mà còn được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong xã.
Để cây cam phát triển bền vững, nhiều hộ trồng cam trong xã đã liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu với 46 hộ thành viên và tổng diện tích cam 32,5ha trong đó 17,5ha cam đường canh. Hợp tác xã sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tiêu chí “hoa quả sạch”. Đồng thời, liên kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trước đây, cam Hưng Yên chủ yếu được trồng tại huyện Khoái Châu và Văn Giang với diện tích không lớn, nhưng những năm qua, diện tích cam trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện cam là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Hưng Yên với gần 2.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt trên 35.000 tấn/năm.
Hương Giang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.