• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Cây mơ vàng giúp người dân Bạch Thông nâng cao thu nhập

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 10/04/2020
Ngày cập nhật: 12/4/2020

Vào tháng 4 dương lịch hằng năm, người trồng mơ ở huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) lại phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. Những cây mơ có tuổi đời hơn 20 năm vẫn đều đặn ra hoa, sai quả, giúp bà con có nguồn thu nhập đáng kể.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Bản Đán, xã Đôn Phong tập trung hoạch mơ.

Đôn Phong là một trong những xã có diện tích mơ lớn nhất của huyện Bạch Thông, với khoảng 30ha. Dù thời điểm này con đường đến đây khá lầy lội do đang thi công, nhưng vẫn không ngăn nổi việc trao đổi, mua bán mơ của người dân và thương lái. Mơ đang là mặt hàng “thu tới đâu bán tới đó”, thậm chí nhiều thương lái nếu không có mối quen sẽ khó lòng mua được.

Diện tích mơ ở Đôn Phong chiếm phần lớn tại các thôn Bản Đán, Nà Đán, Bản Chiêng, Vằng Bó. Nơi đây có những vườn mơ gần 30 năm tuổi, được người dân trồng từ những năm 1990 khi bắt đầu triển khai Dự án PAM, đến nay nhiều vườn mơ vẫn cho sai quả. người dân gọi đây là giống mơ lông (hay gọi là mơ vàng), khi chín quả hơi phớt hồng ở núm cuống, giá bán cao nhất trong các loại mơ. Quan sát những gốc mơ tại đây đều có thân xù xì (như gốc đào cổ), cành lá xum xuê, đặc biệt cây rất hợp với đất đen pha đá, ở những khe đồi có độ ẩm cao, đất tơi xốp. Ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Bản Đán là hộ có 2ha mơ, mỗi vụ thu về gần 10 tấn quả, bình quân mỗi cây thu được 40-50kg, thu tới đâu có lái buôn mua luôn tại đó.

Ông Hải cho biết, vườn mơ gia đình trồng từ năm 1990 từ Dự án PAM. Cây hợp đất, quả sai, tuy nhiên có thời điểm giá chỉ còn 500 đồng/kg nên nhiều hộ trong vùng đã chặt bỏ. Giờ mơ có giá thì nhiều người lại thấy tiếc. Theo ông Hải, mơ là giống dễ trồng, ưa khí hậu mát mẻ, không phải mất nhiều công chăm sóc, thậm chí cứ để tự nhiên mà cây vẫn phát triển tốt. Do diện tích mơ của gia đình ông Hải đã gần 30 năm tuổi, nhiều cây già cỗi nên mỗi năm ông đều bón phân vào gốc từ 2-3 lần, vệ sinh cỏ dại quanh gốc, bắt sâu đục thân. Vào vụ mơ này do số lượng cây khá lớn ông phải thuê người hái mơ, nhưng năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường mơ thấp hơn so với năm ngoái, chỉ được 11.000 đồng/kg. Tuy vậy, gia đình ông Hải vẫn vui vẻ, vì thực tế cây mơ không phải đầu tư chi phí nhiều, cứ đến vụ là thu về, với mức giá trên gia đình vẫn có thể thu nhập cả trăm triệu đồng.

Cũng là hộ có vườn mơ hơn 20 năm tuổi, chị Bùi Thị Hường ở thôn Nà Kha, xã Quang Thuận năm nào cũng thu về từ 30-40 triệu đồng từ hơn 40 gốc mơ. Vườn mơ của gia đình chị trồng trên những vạt đồi dốc, đất trồng lởm chởm đá nhưng cây nào cây đó cứng cáp, tán rộng, lúc lỉu quả. Người dân vùng gọi đó là giống mơ trắng, mơ ở đây có màu sắc ương vàng, hình dáng quả trơn như quả mận, tuy quả không to nhưng lại rất được giá. Đến vụ, cả gia đình chị lại tranh thủ đi thu hái để tránh rủi ro từ thời tiết. Theo chị Hường, do ảnh hưởng mưa đá nên vụ năm nay quả rụng khá nhiều. Nếu như năm ngoái chị thu về 3 tấn quả thì năm nay chỉ được khoảng 2 tấn. Hiện nay ở Quang Thuận có khoảng 4ha mơ, chủ yếu là giống mơ bản địa, tuổi đời của những vườn mơ đều trên 20 năm.

Huyện Bạch Thông có khoảng 60ha mơ, tập trung chủ yếu ở các xã Đôn Phong, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Quang Thuận, Hà Vị. Đây đều là diện tích mơ lâu năm, nhiều cây đã già cỗi, sâu hại, ít được tỉa cành, tạo tán, bón phân nên phần nào ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, những giống mơ bản địa này lại rất được thị trường ưa chuộng, giá thành bán ra cao, người dân dễ dàng thu vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Chị Bùi Thị Hường ở thôn Nà Kha, xã Quang Thuận năm nay thu về khoảng 2 tấn quả mơ.

Để mở rộng diện tích cây mơ, năm 2018 huyện Bạch Thông đã triển khai Dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng”, diện tích đã thực hiện 40ha tại 4 xã Đôn Phong, Mỹ Thanh, Hà Vị và Nguyên Phúc. Giống cây được ghép từ mắt mơ bản địa với gốc đào do Viện Nghiên cứu Rau quả nhân giống. Qua triển khai, tỷ lệ cây sống đạt khoảng 60%, riêng xã Đôn Phong tỷ lệ cây sống chiếm trên 80%. Năm 2020, huyện tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích mơ. Địa phương đang cho các xã đăng ký, đồng thời tổ chức vận động bà con có quỹ đất phù hợp tham gia trồng cây mơ vàng. Nếu thực hiện thành công, huyện Bạch Thông sẽ từng bước hình thành vùng mơ tập trung, về lâu dài trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con.

Mấy năm trở lại đây, giá mơ khá ổn định, có thể tạo ra nguồn thu nhập bền vững khi hiện tại ở địa bàn tỉnh đã có Nhà máy sơ chế nông sản MISAKI của Nhật cam kết hoạt động lâu dài, tổ chức bao tiêu đầu ra sản phẩm mơ và một số nông sản cho bà con nông dân. Hi vọng Bạch Thông sẽ có những giải pháp duy trì giống mơ bản địa, chọn lọc, nhân ra các loại giống mơ năng suất cao phù hợp với xu hướng thị trường./.

Thu Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang