Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 13/04/2020
Ngày cập nhật:
15/4/2020
Cuối năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án “Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia” do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì. Quá trình triển khai đến nay đã đạt một số chỉ tiêu song cần tiếp tục tập trung các giải pháp quyết liệt hơn để vải thiều Bắc Giang sớm trở thành sản phẩm quốc gia.
Đạt tiêu chí quy mô, giá trị
Theo Thông tư số 10, ngày 29/3/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sản phẩm quốc gia (SPQG) phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó tiêu chí về công nghệ gồm: Công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến so với khu vực và thế giới; công nghệ, bí quyết công nghệ, giải pháp hữu ích, quyền đối với giống cây trồng tạo ra SPQG phải đủ điều kiện để được công nhận, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tạo ra sự đột phá về năng lực nghiên cứu KH&CN và động lực phát triển của ngành, lĩnh vực. Tiêu chí về quy mô, giá trị gồm: Sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ lớn ở thị trường trong và ngoài nước, có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu của sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm thuộc SPQG sau khi kết thúc thời gian thực hiện đạt tối thiểu 2 nghìn tỷ đồng/năm; bảo đảm thời gian thu hồi vốn đầu tư không quá 5 năm; hình thành được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh SPQG, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung.
Người dân thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) chăm sóc vải bảo đảm tiêu chuẩn GlobalGAP.
Qua rà soát, tỉnh quyết định lựa chọn vải thiều để xây dựng SPQG. Theo đó, cuối năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí SPQG” do Sở KH&CN chủ trì. Mục tiêu của đề án đến năm 2020 vải thiều cơ bản đạt tiêu chí SPQG. Một số giải pháp cần thực hiện như xây dựng ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nghiên cứu, ứng dụng sản xuất phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều; ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản vải thiều; 15,5 nghìn ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 100-120 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, đến nay vải thiều mới đạt tiêu chí về quy mô, giá trị. Đó là Bắc Giang có vùng sản xuất tập trung lớn nhất cả nước. Sản phẩm ngoài bán trong nước còn xuất khẩu đạt giá trị cao. Từ năm 2017 đến nay, giá trị vải thiều của tỉnh luôn đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2019 đạt khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng.
Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ
Nguyên nhân vải thiều chưa đạt tiêu chí SPQG là do một số nội dung trong đề án không thực hiện được. Đơn cử, việc xây dựng ít nhất một mô hình công nghệ cao vào sản xuất như: Dự báo thời tiết thông minh, tưới nước tự động đòi hỏi vốn đầu tư lớn, Nhà nước lại không có kinh phí hỗ trợ nên không được triển khai. Liên quan đến công nghệ bảo quản, Sở KH&CN đã phối hợp lắp đặt dây chuyền bảo quản vải thiều theo công nghệ Jujan tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) song đến nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa vận hành ổn định.
Vùng vải thiều xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được cấp mã vùng trồng xuất khẩu.
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với cơ quan chuyên môn mới cấp được 40 ha vải thiều sản xuất theo quy trình GlobaGAP, 40 ha nữa đang tập trung cấp trong năm nay. Như vậy, mới đạt 80/120 ha so với kế hoạch đặt ra. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Do năm 2018 không được bố trí vốn cho việc cấp chứng nhận GlobalGAP nên năm 2019 đơn vị mới bắt đầu triển khai. Hiện nay, Chi cục đã chọn vườn, dự kiến cấp 40 ha vải GlobalGAP trước vụ vải thiều này ở các xã: Quý Sơn, Nam Dương, Hồng Giang (Lục Ngạn) và Phúc Hòa (Tân Yên)”.
Khi trở thành SPQG, nông sản có nhiều lợi thế như: Được thụ hưởng nguồn vốn, chính sách từ T.Ư, địa phương để sản phẩm quảng bá rộng rãi; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và chế biến, tăng giá trị.
Dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng vải thiều Bắc Giang đã “tiệm cận” với tiêu chí SPQG. Bởi lẽ, ngoài đạt tiêu chí quy mô, giá trị, vải thiều được bảo hộ trong nước và nhiều quốc gia khác. Nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chí về công nghệ, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khuyến cáo các địa phương duy trì quy mô vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ghi nhật ký chăm sóc cho các hộ để sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn tiên tiến. Anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) có hơn 1 ha vải sớm được hỗ trợ cấp chứng nhận GlobalGAP chia sẻ: “Hiện vườn vải đang đậu quả non, giai đoạn này rất quan trọng nên ngày nào tôi cũng thăm vườn. Các khâu bón phân, phòng trừ sâu bệnh cũng như tưới nước tôi đều ghi nhật ký đầy đủ. Chỉ sử dụng vật tư theo khuyến cáo, làm cỏ thủ công để vải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cùng với giải pháp trên, Viện Nông hóa Thổ Nhưỡng đang thực hiện đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu sản xuất và sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều tại hai huyện Lục Ngạn, Tân Yên. Sở KH&CN phối hợp với chuyên gia Israel tiếp tục hoàn thiện dây chuyền bảo quản vải thiều trong vụ vải này. Các cấp, ngành liên quan tập trung các giải pháp quyết liệt hơn nữa; ưu đãi, thu hút doanh nghiệp nhằm xã hội hóa đầu tư các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, cao cấp hơn.
Trường Sơn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.