• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết tìm đầu ra cho trái xoài

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 16/4/2020
Ngày cập nhật: 18/4/2020

Do tình hình chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian qua trái xoài gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, cả nước có gần 85.000ha xoài, sản lượng đạt gần 930.000 tấn/năm. Trong đó, ĐBSCL chiếm tới 55% diện tích, hơn 60% về sản lượng xoài trên cả nước. Tỉnh Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu về diện tích trồng xoài, khoảng 9.600ha, sản lượng hơn 90.000 tấn/năm. Tuy nhiên do tình hình chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian qua trái xoài gặp nhiều khó khăn.

Xoài rớt giá, nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: HUỲNH LỢI

Không xuất khẩu được

Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), có rất nhiều tiểu thương bán xoài với nhiều mức giá khác nhau, chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc và cát Chu. Nếu cùng thời điểm năm ngoái, nông dân bán xoài cát Hòa Lộc tại vườn giá 40.000 đồng/kg mới có lời, thì mức giá hiện tại chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng vẫn phải bán; còn xoài cát Chu hiện chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Ông Đoàn Thanh Hiền, nông dân trồng xoài tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Từ khi trồng xoài tới giờ, đây là lần đầu tiên xoài rớt giá kỷ lục như hiện nay. Theo ông Hiền, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xoài không xuất khẩu được, nhưng sức mua tại các chợ địa phương tăng lên do xoài ngon nhưng giá khá rẻ. Vì vậy, khoảng 5 tấn xoài/1,7ha hiện có của gia đình, bán lẻ tại các chợ địa phương rất hút hàng.

“Như 5 tấn xoài của tôi chỉ bán trong khoảng 1 tháng, nhưng tổng thu nhập chỉ được 20 triệu đồng”, ông Hiền bày tỏ. Ông kể, nếu thời điểm này của năm trước, xoài cát Hòa Lộc (loại nhất) bán tại chợ có giá 60.000 - 80.000 đồng/kg thì nay giảm hơn phân nửa giá; còn xoài cát Chu từ 18.000 - 20.000 đồng/kg năm trước, giờ chỉ bán 5.000 - 7.000 đồng/kg, ai đến hỏi mua là mừng rồi, vì lấy được tiền chi phí vật tư nông nghiệp đã bỏ ra. Riêng xoài Đài Loan thì khách nội địa không ưa chuộng nên giá rẻ bèo, gia đình chỉ để đem cho.

Theo bà Đinh Kim Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, tình hình chung là ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên phải chấp nhận khó khăn. Trước mắt chi phí qua cửa khẩu, xuất khẩu tăng cao, nhưng hiện tại không thể nào vận chuyển bằng đường hàng không, nếu như xuất sang Trung Quốc thì chi phí đội lên gấp đôi so với trước đây.

Tăng cường chế biến

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận không chỉ Đồng Tháp mà ở đâu xoài cũng bị rớt giá. Sản lượng xoài của tỉnh đạt hơn 90.000 tấn/mùa vụ. Ngành công thương của tỉnh rất đau đầu về đầu ra của nông sản, đặc biệt là trái xoài trong tình hình dịch bệnh. Tỉnh Đồng Tháp đã kết nối với hệ thống siêu thị Big C để đưa sản phẩm vào bán, tuy nhiên bán ra cũng rất chậm. Hiện Sở Công thương đang chuẩn bị kế hoạch tiêu thụ nông sản sau mùa dịch: dự kiến sẽ thực hiện Ngày Hội nông sản tại Hà Nội; làm việc với các công ty trực tiếp thu mua nông sản, xử lý sau thu hoạch; làm việc với Vụ Thị trường trong nước xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Kinh nghiệm của ông Đoàn Thanh Hiền, nông dân tại huyện Cao Lãnh là làm rải vụ nên dù bị ảnh hưởng bởi dịch, giá cả thị trường xuống thấp nhưng gia đình không bị thua lỗ. Ông cho biết, 1,7ha xoài làm rải vụ nên gia đình có xoài bán quanh năm. Trước mùa dịch, ông đã bán một đợt khoảng 13 tấn xoài với giá khá cao, hiện chỉ có 5 tấn nên có thể lấy được vốn về chi phí vật tư nông nghiệp. Những năm rồi thực hiện rải vụ, một vụ xoài ông Hiền thu lời được khoảng 1 tỷ đồng (sau khi trừ hết các khoản chi phí).

Theo Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, trong thời điểm dịch bệnh, do xoài không phải là mặt hàng thiết yếu, cung lại vượt cầu nên giá thị trường xuống thấp là điều hiển nhiên. Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối đầu ra, lãnh đạo ngành công thương cũng cho rằng, về lâu dài, để trái xoài phát triển bền vững rất cần tăng lượng chế biến, thay vì chỉ xuất khẩu tươi như hiện nay. Để làm được điều đó, các tỉnh đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại những địa phương có diện tích trồng xoài lớn; đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia đầu tư như giảm thuế thu nhập, giảm thuế đất.

TÍN HUY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang