Nguồn tin: Báo Lào Cai, 31/07/2020
Ngày cập nhật:
2/8/2020
Mô hình trồng cây chanh leo ở Bảo Yên (Lào Cai) đã bước sang năm thứ 2 cho thu hoạch. Qua đánh giá bước đầu, đây là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất và chất lượng quả tốt, hứa hẹn trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Đang vào đầu vụ thu hoạch chanh leo, những ngày này, điện thoại của ông Bàn Văn Phúc (Bản 1, xã Điện Quan) luôn nóng máy bởi các thương lái alo đặt mua. Chưa vào chính vụ nên sản lượng còn thấp nhưng lại được giá cao (trung bình 25 nghìn đồng/kg) và thu hái đến đâu có người mua đến đó.
Ông Bàn Văn Phúc thu hoạch chanh leo.
Ông Bàn Văn Phúc là 1 trong 40 hộ ở Điện Quan tham gia trồng thử nghiệm cây chanh leo từ đầu năm 2019. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước, ông Phúc đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội gần 200 triệu đồng để cải tạo vườn đồi, đầu tư hệ thống giàn trồng chanh leo. Theo ông Phúc, sau năm đầu bói quả, năm nay cây đã cho sản lượng cao hơn và ông cũng từng bước làm chủ được kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng quả tốt hơn, vừa dễ tiêu thụ mà giá thành lại cao. “Cây chanh leo có thời vụ thu hoạch khá dài, từ trung tuần tháng 6 đến tháng 12. Mỗi héc-ta có thể trồng khoảng 600 - 650 gốc chanh leo và nếu chăm sóc tốt thì mỗi gốc có thể cho thu hoạch 50 kg/tháng”, ông Phúc cho biết.
Xã Điện Quan hiện có hơn 10 ha chanh leo. Cùng với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn, mô hình trồng chanh leo đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng giá trị canh tác lên 150 triệu đồng/ha/năm. Ông Hoàng Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho biết: Năm nay, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này thêm khoảng 20 ha. Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống cho người dân, xã sẽ thành lập và duy trì hoạt động của hợp tác xã nhằm thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo.
Nhiều diện tích trồng ngô, sắn tại Phúc Khánh được thay thế bằng mô hình trồng chanh leo giá trị cao.
Tại xã Phúc Khánh, những ngày này vườn chanh cũng bắt đầu chín đỏ. Những vạt đồi trồng ngô và sắn trước đây nay đã thay thế bằng những giàn chanh leo trĩu quả. Xã hiện có 6 ha chanh leo. Là cây trồng mới, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đất Phúc Khánh nhưng sau gần 1 năm trồng đã thấy rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Với hiệu quả bước đầu, dự kiến trong thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích lên 10 ha.
Anh Hoàng Văn Diệp (Bản 2) là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Phúc Khánh tham gia thực hiện mô hình. Sau khi được tham quan, học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng 1 ha chanh leo. Trong năm đầu tiên trồng, do cây đang phát triển nên năng suất quả chưa cao, tuy vậy anh vẫn thu về gần 100 triệu đồng. Anh Diệp cho biết: Cây chanh leo phù hợp với điều kiện của địa phương và kỹ thuật chăm sóc không quá khó. Năm nay, nếu đầu ra thuận lợi thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn và tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Để phát triển cây chanh leo trên địa bàn, xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai chương trình cho vay ưu đãi gắn với chương trình khuyến khích phát triển cây chanh leo, từ đó nhiều hộ đã đăng ký vay vốn trồng thử nghiệm loại cây này.
Huyện Bảo Yên hiện có 30 ha cây chanh leo, trồng tập trung ở các xã: Điện Quan, Thượng Hà và Phúc Khánh. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện đã phối hợp Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại tất cả các xã thực hiện mô hình. Năm 2020, dự kiến các xã sẽ trồng thêm 30 ha chanh leo. Ngoài mô hình trồng đại trà, huyện Bảo Yên cũng thí điểm 3.000 m2 chanh leo trong nhà lưới, đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao để người dân trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm.
Triệu Văn Nhỉnh (bản 4, xã Điện Quan), chủ đầu tư nhà lưới cho biết: Trồng chanh leo trong nhà lưới đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng bù lại cây phát triển tốt, chất lượng quả đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe cho xuất khẩu. Xét về lâu dài sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Cây chanh leo được xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực của huyện nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa trên địa bàn. Dù còn nhiều khó khăn khi phải thực hiện các kỹ thuật mới và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, song cây chanh leo hứa hẹn trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân Bảo Yên.
MẠNH DŨNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.