• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Dồn sức cứu vùng chuyên canh sầu riêng

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 30/07/2020
Ngày cập nhật: 2/8/2020

Thời gian qua, Tiền Giang rất thành công khi xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng "chung sống với lũ" tại các huyện, thị phía Tây: Huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân đổi đời và nông nghiệp, nông thôn đổi mới. Ước tính, toàn vùng có trên 14.000 ha, trong đó có khoảng 9.000 ha đang cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý thương hiệu "Sầu riêng Cai Lậy" cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy đã tiếp thêm sức cạnh tranh cho một trong những cây ăn trái đặc sản có một không hai của tỉnh Tiền Giang.

Mùa khô năm 2020 thiên tai hạn, mặn khốc liệt trên diện rộng đã làm thiệt hại trên 5.300 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu tại vùng kiểm soát lũ phía Tây. Tại vùng chuyên canh sầu riêng có 4.500 ha bị ảnh hưởng. Mức độ thiệt hại từ 30% đến 70% mỗi vườn. Trong đó, có đến gần 3.600 ha bị thiệt hại trên 70%, với tỷ lệ thiệt hại này, theo các nông dân giàu kinh nghiệm về thâm canh sầu riêng, coi như mất trắng. Nhưng con số thực tế không dừng ở đó bởi nhiều vườn cây đang tiếp tục suy kiệt và chết dần.

Xã Tam Bình, huyện Cai Lậy được coi là thủ phủ vùng chuyên canh sầu riêng tỉnh Tiền Giang với khoảng 1.400 ha sầu riêng. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá bán 50.000 đồng/kg trước khi hạn, mặn năm 2020 xảy ra, vùng chuyên canh tại đây mỗi năm thu không dưới 1.400 tỷ đồng. Nhờ cây sầu riêng, từ một xã vùng căn cứ kháng chiến gánh chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề lại thuần nông, nghèo khó, nông dân địa phương vươn lên, đổi đời. Tam Bình cũng là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2015.

Còn hiện nay, về Tam Bình, qua ấp Đông Hòa, xuống ấp Bình Hòa A, Bình Hòa B hay về ấp Bình Thuận... không còn thấy hình ảnh những khu vườn sầu riêng xanh mướt, trái lúc lĩu trên cành trải dài mút tầm mắt. Thay vào đó, vườn cây xơ xác, khô cành, trụi lá. Ước tính, có khoảng 70% diện tích vườn sầu riêng tại địa phương, tương đương gần 1.000 ha bị chết. Thiệt hại về kinh tế, xã hội hết sức lớn. Trong các cây ăn trái thì sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long... là những cây trồng mẫn cảm với độ nhiễm mặn. Chỉ cần độ mặn 0,05g/lít đã phải tưới hạn chế. Trên mức đó, hoàn toàn không thể.

Mùa khô năm 2020, hạn hán kéo dài kèm theo xâm nhập mặn hết sức khốc liệt, trên diện rộng 100% huyện, thành, thị ở tỉnh Tiền Giang. Tại các huyện, thị đầu nguồn sông Tiền lâu nay chỉ lo lũ lụt thì ngay từ trước Tết Nguyên đán, mặn đã theo sông Hàm Luông từ phía Bến Tre tấn công kết hợp với mặn từ hướng hạ lưu sông Tiền xâm lấn gây hại. Tiền Giang trong thiên tai đã "lưỡng đầu thọ địch".

Tại Tam Bình, vào ngày 25 tháng Chạp năm 2019, mặn đã xuất hiện, uy hiếp vườn sầu riêng và kéo dài đến tận đầu tháng 6 âm lịch năm 2020. Thời gian xâm nhập mặn trên 6 tháng. Lúc cao nhất, độ mặn đo được gần 10g/lít, gấp 10 lần so với sức chịu đựng của cây sầu riêng. Bà Huỳnh Thị Kim Trinh, cư ngụ tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, bà có 2 thửa vườn trồng sầu riêng. Một thửa bị thiệt hại nặng đã phải đốn bỏ. Còn một thửa ít suy kiệt hơn đang chăm sóc phục hồi. "Coi như năm nay, trắng tay, còn những năm tới không biết sẽ ra sao trong khi biến đổi khí hậu ngày một nặng nề (!)" - bà Trinh bộc bạch.

Hiện nay, tại Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng đã vào mùa mưa. Tuy nhiên, hậu quả thiên tai để lại di chứng rất nặng nề. Khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài, mặn thẩm thấu và lưu tồn trong đất làm cho cây suy kiệt, chết dần, chết mòn chưa có phương cách cứu vãn. Đó là tình hình chung của các xã chuyên canh sầu riêng, từ Tam Bình, qua Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy); Thanh Hòa, Long Khánh (thị xã Cai Lậy). Nông dân đang chết đứng cùng vườn sầu riêng.

Chung sức cứu lấy cây sầu riêng - đó là nỗ lực của các cấp, các ngành và nông dân tỉnh Tiền Giang hôm nay. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cùng các ngành hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá và xác định những nguyên nhân đưa đến vườn cây ăn trái suy kiệt, bị thiệt hại. Trên cơ sở đó, hướng dẫn nhà vườn cách thức chăm sóc, phục hồi, giảm bớt thiệt hại, tiến đến phát triển kinh tế vườn quả theo hướng bền vững.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang triển khai đề tài khoa học: "Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang". Thời gian thực hiện 36 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2020 và kéo dài đến 7/2023 kết thúc. Cơ quan chủ trì là Trường Đại học Tiền Giang và cơ quan phối hợp là các đơn vị: Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung Tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ Tiền Giang, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Tiền Giang. Mục tiêu nhằm điều tra, đánh giá thực trạng và khảo sát ảnh hưởng hạn, mặn đến sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng tại xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng ứng dụng sinh học - hữu cơ phục hồi sau hạn, mặn đưa vào ứng dụng tại hai vùng chuyên canh quan trọng là xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp. Đồng thời, còn xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với xâm nhập mặn. Sau đó, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng trong vùng chuyên canh. Ngoài ra, còn lắp đặt, vận hành 01 hệ thống quan trắc và cảnh báo mặn xâm nhập liên tục và tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp tại vùng nghiên cứu. Trước mắt, để có cơ sở khoa học triển khai đề tài, các đơn vị đã chọn xây dựng 02 mô hình vườn sầu riêng thí điểm ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác ứng dụng sinh học - hữu cơ phục hồi sau hạn, mặn tại tại xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Viện Cây ăn quả miền Nam, khi xây dựng mô hình, các nhà khoa học hướng dẫn nông dân tham gia áp dụng giải pháp 5 bước cải tạo đất và phục hồi vườn sầu riêng sau hạn, mặn, đó là: Rửa mặn cho đất, phục hồi bộ rễ và bộ lá, hỗ trợ bộ lá phát triển, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp.

Nông dân Lê Văn Tiệu, cư ngụ ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, tham gia mô hình chia sẻ, hiện đang ở bước thứ ba hỗ trợ bộ lá phát triển theo hướng dẫn, khu vườn của ông đang phục hồi tốt, cành lá tươi tốt và sung mãn trở lại. Qua khảo sát thực tế tại khu vườn thứ nhất tại xã Ngũ Hiệp đang ở bước thứ ba và khu vườn thứ hai tại xã Tam Bình đang ở bước thứ hai của quy trình 5 bước cải tạo đất và phục hồi vườn sầu riêng sau hạn, mặn, nhìn chung, cây sầu riêng trong mô hình đang có hướng phục hồi tốt. Đây là tín hiệu vui cho vùng chuyên canh sầu riêng Tiền Giang.

Sầu riêng là cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao nhưng mẫn cảm với độ mặn và không chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt như mùa khô năm 2020. Vốn đầu tư ban đầu lớn và thời gian trồng kéo dài, phải 6 năm tuổi mới cho thu hoạch ổn định. Thiên tai hạn, mặn vừa qua là một phép thử nghiệt ngã. Do vậy, trong tương lai, để đảm bảo hiệu quả ứng phó hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai cho vùng chuyên canh cây ăn trái phía Tây, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, kiện toàn mạng lưới đê bao, cống đập đảm bảo các chức năng ngăn lũ, triều cường, ngăn mặn bảo vệ sản xuất và đời sống kết hợp với khuyến khích người dân trữ ngọt trong ao mương và nội đồng vào mùa khô. Ngoài ra, cần thực hiện chuyển đổi cây trồng ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, ứng dụng khoa học, công nghệ cao kết hợp củng cố mối liên kết "4 nhà" để xây dựng chuỗi giá trị, tạo hướng phát triển bền vững cho vùng chuyên canh.

Mộng Tuyết

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang