• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình ‘thanh long ôm gốc mắm’ có một không hai của lão nông Cà Mau

Nguồn tin: VOV, 02/08/2020
Ngày cập nhật: 5/8/2020

Mô hình “thanh long ôm gốc mắm” độc nhất vô nhị của gia đình ông Mai Lam Phương ở huyện Cái Nước, Cà Mau cho nguồn thu nhập ổn định.

Trên mảnh đất nuôi tôm 1 ha của gia đình, sau nhiều năm canh tác, ông Mai Lam Phương (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau) nhận thấy năng suất tôm ngày càng giảm.

Để vươn lên, lão nông đã thử nghiệm các mô hình trồng màu, trồng cây ăn trái trên bờ bao nhưng do đất nuôi tôm nhiễm mặn nặng, không cho hiệu quả.

Ông Mai Lam Phương là chủ nhân vườn "thanh long ôm gốc mắm" có một không hai tại Cà Mau.

Trong một lần tình cờ bắt gặp giống thanh long bản địa có thể sống được ngay cạnh nước mặt, ông đã nảy sinh ý định nhân rộng giống thanh long này để làm “cây kinh tế”. Khoảng năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình đã bị nhiều người cho là làm việc lạ đời, khó có thể thành công.

Ngay cả người vợ ông cũng can ngăn nhưng lão nông vẫn quyết tâm thực hiện. Điều kiện kinh tế khó khăn nên ông Mai Lam Phương cho cây thanh long leo trực tiếp lên các loài cây sống trên bờ vuông tôm.

“Tôi chỉ nghĩ tìm xem có giống cây gì bổ trợ cho kinh tế của mình. Trước đó, cũng trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang mang về nhưng không sống được. Khi đi thấy cây thanh long địa phương ngã xuống nước mặn mà vẫn bò, sống được nên đem về trồng. Có cây gì trồng được là nhân ra trồng trên cây đó”, ông Phương chia sẻ.

Ông Phương đã ươm giống và cho cây thanh long cộng sinh với cây mắm lớn lên ngay dưới tán rừng ngập mặn.

Đến khoảng năm 2014, ông Mai Lam Phương phát triển được khoảng 400 gốc thanh long. Nhiều người bất ngờ vì những dây thanh long leo trên thân cây đước, cây mắm, giá, vẹt,... cho trái to tròn, đẹp mắt. Vườn thanh long giữa lòng vùng đất mặn mỗi năm đều đặn giúp gia đình ông có nguồn thu vài chục triệu đồng.

Ông cũng tiến hành trồng các loại cây đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập mặn ở địa phương để làm trụ trồng thanh long nhiều hơn. Tuy nhiên, các loại cây đước, giá, vẹt, thậm chí là cây dừa to lớn khi bị thanh long đeo bám dần bị chết khô và những dây thanh long đang cho trái ngọt cũng tàn theo. Chỉ có dây thanh long bám trên thân cây mắm vẫn không ngừng sinh trưởng mà bản thân cây mắm tốt tươi bình thường.

Từ đó, ông Phương đúc kết được kinh nghiệm, cây thanh long trồng trên vùng đất mặn không hút dinh dưỡng chủ yếu từ đất mà hút trong thân cây chủ. Để mô hình trồng thanh long trong vùng đất ngập mặn “có một không hai” của mình bền vững, ông dần thay các loại cây khác bằng cây mắm. Nhiều năm qua, mô hình “thanh long ôm gốc mắm” của gia đình ông Mai Lam Phương vẫn cho nguồn thu nhập ổn định.

“Ban đầu tưởng thanh long trồng trên nước mặn thì nó mặn, chát ai dè nó thơm ngon, bóng, đẹp hơn thanh long bình thường. Ăn rất ngọt mà lại thơm mùi nhãn, đọng mùi nhãn trong cổ họng nên ngon lắm. Mới bán thì 5.000 đồng/kg, giờ người ta chuộng rồi bán 7.000 – 10.000 đồng/kg người dân vẫn rất chuộng”, ông Phương hồ hởi.

Vườn "thanh long ôm gốc mắm" của gia đình ông hiện có hơn 1.000 gốc.

Trong thời gian chờ những cây mắm trên bờ vuông tôm đủ lớn để trồng thanh long, ông Phương bắt đầu thử nghiệm ươm giống thanh long vào những chậu nhỏ, sau đó mang treo vào gốc cây mắm dưới vuông tôm nhà mình. Cây thanh long ôm gốc mắm ngay dưới mực nước mặn vẫn phát triển bình thường. Hiện trên diện tích đất vuông tôm 1 ha của gia đình, nơi nào cây mắm đủ lớn để làm trụ đỡ thì ông đều trồng thanh long và đã được hơn 1.000 gốc.

Bà Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch hội nông dân huyện Cái Nước, Cà Mau cho biết, iiống thanh long này đã có từ xưa trong dân nhưng qua thời gian dài không được quan tâm. Ông Phương đã thuần hóa lại và trồng trên gốc cây mắm. Chất lượng thanh long rất ngon, mẫu mã đẹp. Cây thanh long nó phát triển hầu như 70% nhờ phần rễ phụ trên thân nên khi bám trên cây mắm, cộng sinh thì phát triển rất tốt.

Bằng ý chí phải vươn lên trong làm kinh tế, ông Mai Lam Phương – con người dám nghĩ, dám làm đã trồng thành công thanh long trên vùng đất ngập mặn. Mô hình không chỉ giúp gia đình lão nông làm chuyện lạ đời có nguồn thu ổn định hằng năm mà còn đang mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Chủ nhân của vườn thanh long “có một không hai” giữa vùng đất ngập mặn tỉnh Cà Mau cũng mong muốn mô hình được nhân rộng để bà con địa phương có thêm lựa chọn trong phát triển kinh tế./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang