Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 25/08/2020
Ngày cập nhật:
28/8/2020
Những năm gần đây, bệnh vàng lá xuất hiện và gây hại nặng trên cây có múi. Nhiều chủ vườn phải chặt bỏ khi cây mắc bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm, thậm chí thất thu.
Chặt cây vì bệnh vàng lá
Năm 2014, thấy người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng cam cho thu nhập cao, ông Đỗ Văn Lậm, thôn Bãi Đình, xã An Dương (Tân Yên) vay 1 tỷ đồng mua hơn 1 vạn cây giống và hơn 5 nghìn cây cam trưởng thành trồng trên 5 ha vườn đồi. Hai năm liên tiếp cam được mùa, được giá, gia đình ông Lậm thu về hơn 2 tỷ đồng. “Trả được hết nợ cũ, tôi mua đất mở rộng vườn lên 15 ha.
Ông Nguyễn Văn Toản (trái), Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trao đổi với người dân Lục Ngạn về kỹ thuật phòng bệnh vàng lá cho cây có múi.
Đến năm thứ ba là thời điểm hơn 1 vạn cây giống bắt đầu ra quả. Chưa kịp mừng thì tôi phát hiện nhiều cây lá bị vàng, một số cây trút gần hết lá, chết héo”, ông Lậm kể. Những cây khỏe hơn vẫn ra hoa nhưng đậu ít quả, quả méo mó, vị nhạt. Cuốc gốc lên thấy rất ít rễ tơ, tưởng cây bị nghẹt, ông liền bón phân hàm lượng đạm cao rồi dùng hóa chất để trị nấm bệnh nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Sau đó, tìm hiểu thông tin, ông mới biết toàn bộ số cây trong vườn bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Năm 2018, ông Lậm gần như mất trắng vụ cam và thuê máy đào bỏ toàn bộ cây bị bệnh.
Tân Mộc là một trong ba xã trồng và phát triển cây có múi sớm trong huyện Lục Ngạn. Năm 2005, diện tích cam chỉ có 1-2 ha nhưng tốc độ tăng mạnh từ năm 2015 trở lại đây. Đến nay, toàn xã có hơn 1 nghìn ha cây có múi; năm 2019 thu hoạch khoảng 10 nghìn tấn quả. Tuy vậy, năm nay dự kiến chỉ được 7-8 nghìn tấn bởi cam bị bệnh. Hai năm trở lại đây, vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Tân Thành xuất hiện nhiều khoảng trống do phải chặt bỏ những cây nhiễm bệnh.
Những cây bệnh nặng thì héo, chết dần còn cây bị nhẹ vẫn ra quả nhưng chín ngược, vàng từ cuống trở xuống, ăn rất nhạt. Năm ngoái, cây bị bệnh nhiều, gia đình anh chỉ thu được 9 tấn quả, giảm hơn một nửa so với những năm trước. Đến nay có khoảng 60% số cây trong vườn bị vàng lá, số còn lại cho năng suất thấp. Anh Thắng dự định sẽ chặt bỏ toàn bộ số cây nhiễm bệnh.
Cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 120 ha cây có múi bị bệnh vàng lá. Sở đang tiếp tục kiểm tra, rà soát để nắm diễn biến các loại bệnh trên cây ăn quả, đặc biệt là bệnh vàng lá trên cây có múi. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) được biết, bệnh vàng lá có hai loại chính là: Greening - vàng lá gân xanh do vi khuẩn gây nên, không thể chữa trị được, khi bị bệnh chỉ còn cách chặt bỏ; còn bệnh vàng lá thối rễ do trồng cây ở chân ruộng trũng, thoát nước kém, gặp mưa kéo dài gây hỏng rễ do bị nấm bệnh tấn công. Nếu cây mới bị vàng lá thối rễ có thể chữa được nhưng để lâu, cây yếu thì không thể phục hồi.
Vườn cam nhà anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Tân Thành, xã Tân Mộc có nhiều cây bị bệnh vàng lá phải chặt bỏ.
Với thời tiết và phương thức canh tác của người dân như hiện nay, bệnh vàng lá có nguy cơ lan rộng. Nhằm bảo vệ cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân kiểm tra vườn quả, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đặc biệt, chú ý diệt rầy chổng cánh vì đây là côn trùng truyền bệnh, lây lan chính.
Tuyệt đối không nhân giống từ vườn đã có cây bị bệnh; nên chuyển đổi sang trồng các cây khác (không cùng họ cam, quýt) để thay thế vào vị trí cây đã nhiễm bệnh. Với những vườn bị bệnh vàng lá thối rễ (do nhóm nấm gây ra), cây bị bệnh nhẹ có khả năng phục hồi nên bới đất để lộ ra bộ rễ, sử dụng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium (Alpine 80WP, Aluminy 800WG...) tưới xuống phần rễ bị bệnh kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma, phân hữu cơ vi sinh bón vào gốc; phun phân bón lá giàu hàm lượng lân và vi lượng để cây nhanh phục hồi. Cây bị bệnh nặng nên chặt bỏ, đào gốc và rễ, sau đó xử lý đất bằng vôi bột và các chế phẩm sinh học nấm đối kháng.
Ngoài ra, người làm vườn cần chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh để chăm sóc cây có múi. Thực tế, những hộ có kinh nghiệm chăm sóc, chú trọng bổ sung phân bón hữu cơ, vi sinh thì cam ít bị mắc bệnh dù đã trồng lâu năm. Điển hình, gia đình anh Vũ Công Hiến, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc có vườn cam rộng 5 ha trồng đến nay 12 năm nhưng cây nào cũng xanh tốt, quả trĩu cành.
Một trong những bí quyết giữ được bền cây là mỗi năm anh Hiến bón 2 lần phân vi sinh ở những thời điểm quan trọng như đầu năm và sau khi cây đậu quả. Nhờ vậy, gia đình anh thu được sản lượng cam luôn cao nhất, nhì xã. Năm nay với 5 ha cam, gia đình anh dự kiến thu về 70-80 tấn quả.
Minh Phúc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.