Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 28/8/2020
Ngày cập nhật:
31/8/2020
Huyện Hàm Yên là địa phương có diện tích chanh bốn mùa lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, bước đầu cây chanh bốn mùa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, cây chanh hiện nay không có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người trồng.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, tổng diện tích chanh bốn mùa toàn huyện hiện nay là 537,9 ha, sản lượng ước đạt trên 6.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng mới từ năm 2012 đến nay là hơn 400 ha, phân bố nhiều nhất ở các xã Phù Lưu 256 ha, Minh Dân 93 ha, Yên Phú 35 ha và rải rác ở 15 xã khác. Phong trào trồng chanh bốn mùa ở Hàm Yên phát triển mạnh 8 năm trở lại đây. Đây cũng là cây trồng giúp nhiều hộ dân ở huyện Hàm Yên có thu nhập cao.
Người dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) thu hoạch chanh bốn mùa.
Năm 2008, gia đình ông Phạm Văn Chinh, thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú trồng hơn 300 m2 chanh tứ mùa. Sau 2 năm chăm sóc đã cho thu hoạch 2 tấn quả, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhận thấy cây chanh tốn ít chi phí và công chăm sóc, giá cả ổn định, dễ tiêu thụ, năm 2015, gia đình ông mạnh dạn mở rộng diện tích lên 0,7 ha đất soi bãi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng chanh. Năm 2019, ông Chinh thu hoạch 14 tấn quả, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư gia đình thu lãi khoảng 250 triệu đồng.
Xã Yên Phú là địa phương có diện tích chanh bốn mùa lớn thứ 3 trên toàn huyện. Năm 2012 diện tích chanh của xã là 8 ha, đến năm 2020 diện tích đã phát triển lên tới 35 ha, sản lượng năm nay ước đạt trên 400 tấn. Ông Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, ưu điểm của loại cây trồng này không kén đất, tốn ít chi phí chăm sóc, thu nhập quanh năm, thương lái đến tận vườn thu mua vận chuyển đến các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... vì thế, giá chanh có thời điểm rất cao từ 17.000 - 27.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích đất trồng chanh hiện nay do người dân tự phát, huyện chưa có quy hoạch cho cây trồng này, thị trường đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của chanh, thời điểm này giá chanh giảm mạnh chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con tập trung thâm canh chăm sóc diện tích chanh hiện có, hạn chế việc mở rộng trồng mới; khuyến khích các thương lái địa phương liên kết với các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ; chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế.
Bài học từ phát triển "nóng" cây cam trên địa bàn huyện thời gian qua còn nguyên giá trị cho người trồng chanh bốn mùa. Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, năm 2014 diện tích cam trên địa bàn huyện là 5.000 ha, đến năm 2019 đã phát triển lên tới 7.290 ha, sản lượng ước đạt trên 8.500 tấn. Có những thời điểm cam được mùa nhưng giá lại rất thấp chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, không tiêu thụ được, cam thối đổ đi. Đây là bài học đắt giá cho sự phát triển không kiểm soát, do đó chính quyền các xã, thị trấn cần định hướng người dân thâm canh tăng năng suất, không phát triển ồ ạt cây chanh dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Phòng sẽ tiến hành đánh giá tiềm năng phát triển của cây chanh bốn mùa để phối hợp với các địa phương tiến hành liên kết sản xuất, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Bài, ảnh: Lý Thu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.