• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả của mô hình trồng tắc trên đất cát bạc màu

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 28/09/2020
Ngày cập nhật: 30/9/2020

Lâu nay, cây tắc được nhiều người biết đến như một loại cây cảnh thuần tuý. Nhưng mấy năm gần đây, do nhu cầu thị trường, cũng như đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, đầu ra khá ổn định nên cây tắc cũng dần được xem là 1 trong những loại cây có múi tiềm năng của nhiều địa phương trên cả nước. Nhận thấy điều đó, gia đình anh Đinh Văn Quang ngụ ở thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mãng cầu sang trồng tắc trên vùng đất cát bạc màu của gia đình, bước đầu mang lại hiệu qủa kinh tế khá cao.

Theo như anh Quang chia sẻ thì anh đã trồng mãng cầu hơn 20 năm, do vậy những cây mãng cầu hiện đã quá già cỗi nên năng suất, chất lượng rất thấp… Chính điều đó, cộng với sự tìm tòi, học hỏi từ những mô hình trồng tắc thành công ở nhiều địa phương nên anh đã mạnh dạn bắt tay vào trồng tắc từ hơn 3 năm nay. Đầu tiên anh trồng thử nghiệm 500 cây, qua 3 năm thì bước đầu, những cây tắc này cho năng suất, chất lượng khá tốt, mang lại nguồn lợi nhuận cho gia đình là khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Thế là hơn 1 năm trước, anh Quang quyết định trồng thêm 2.500 cây tắc, để mở rộng diện tích cây trồng này trong vườn nhà.

Anh Đinh Văn Quang bên vườn tắc của gia đình.

Theo như anh Quang chia sẻ thì những năm gần đây, do thời tiết khá nắng nóng nên nhu cầu giải khát của người dân tăng cao, do đó giá tắc và đầu ra của loại trái này khá ổn định . Hiện nay, 500 cây tắc được hơn 3 “tuổi” của gia đình anh ra trái quanh năm, cây sai trĩu quả. Mỗi tháng thu hoạch khoảng vài tạ với giá trung bình từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg cũng giúp cho gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.

Anh Quang phấn khởi chia sẻ thêm “So với những loại cây trồng khác, cây tắc tuy giá trị kinh tế không bằng nhưng nó có phần ổn định hơn bởi cây cho trái quanh năm và đầu ra rất ổn định vì tắc hiện nay rất được thị trường ưa chuộng”.

Theo như kinh nghiệm của anh Quang thì cây tắc khá dễ trồng, không kén đất và ít sâu bệnh nhưng người trồng cũng phải chú ý đề phòng nhện đỏ và bọ xít gây hại làm hư đọt non, trái non bị ghẻ và không có nước. Chỉ cần lưu ý đặc điểm này và có biện pháp phun thuốc hợp lý vào từng giai đoạn sinh trưởng thì cây sẽ phát triển rất nhanh và mau chóng cho trái ổn định khi đã trồng được độ bảy tháng. Đồng thời mỗi tháng người trồng phải rãi phân đều đặn 1 lần để dưỡng trái và giúp cho cây ra hoa liên tục quanh năm. Mặc khác gia đình anh đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động nên khâu chăm sóc, tưới bón vô cùng đơn giản và tiết kiệm thời gian, công sức cho người trồng.

Nhờ chăm sóc tốt, điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên vườn tắc của gia đình anh Quang phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Trái mọc xum xuê nặng trĩu cành. Hơn 2.800 gốc tắc được trồng, trong đó có 300 gốc được trồng hơn 2 năm rưỡi và 2.500 gốc vừa trồng được 7 tháng với khoảng cách 1,5m/cây, đã mang về cho gia đình anh Quang nguồn thu nhập ổn định.

Mô hình tắc trên đất cát bạc màu của gia đình anh Đinh Văn Quang.

Mấy năm nay, cây tắc phát triển được là nhờ đóng thùng xuất khẩu trái tắc xanh. Ngoài ra nhu cầu sử dụng tắc làm nước uống, cũng như nhu cầu tiêu thụ trong ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng nhiều, cho nên trái tắc trở nên thông dụng. Một điều khá đặc biệt ở cây tắc là khi người dân không muốn trồng nữa thì có thể bán gốc cho các hộ làm tắc kiểng với giá trung bình từ 30 đến 50 ngàn đồng/bụi, tùy theo kích thước lớn nhỏ. Vì vậy, đây được xem là loại cây có múi khá triển vọng trong việc phát triển kinh tế gia đình cũng như nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Với những đặc tính dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và trái tắc được thị trường ưa chuộng, cây tắc đang trở thành cây trồng thông dụng của nhà vườn La Gi, giúp bà con nông dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ chính mảnh vườn của mình.

Rạng Đông

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang