• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: 5 bài học nông dân cần nhớ trong phát triển cây có múi

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 6/11/2020
Ngày cập nhật: 7/11/2020

Sáng 6/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”.

Chủ tọa và Ban cố vấn tại Diễn đàn.

Tham gia Diễn đàn có các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) và hơn 200 nông dân đến từ các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ và Bắc Giang.

Theo báo cáo tại Diễn đàn, cây có múi là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các tỉnh trong cả nước. Diện tích, sản lượng loại cây này liên tục tăng trong những năm gần đây, với tốc độ cao. Trong đó, tại phía Bắc 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm (tương ứng 7,3 nghìn ha/năm); sản lượng tăng 12,5%/năm (tương ứng 69,4 nghìn tấn/năm).

Cây có múi là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta với tổng diện tích 256,86 nghìn ha (tính đến hết năm 2019), chiếm 24,07% tổng diện tích cây ăn quả. Tổng sản lượng đạt hơn 2,46 triệu tấn. Riêng các tỉnh phía Bắc, tổng diện tích cây có múi đạt 121,97 nghìn ha, chiếm 47,5% so với cả nước; chiếm hơn 29% so với diện tích cây ăn quả phía Bắc.

Bắc Giang hiện có khoảng hơn 50,4 nghìn ha cây ăn quả. Trong đó, cây có múi đạt khoảng 10,8 nghìn ha; sản lượng trên 80 nghìn tấn. Năm 2013, diện tích cây có múi khoảng 1,8 nghìn ha, nay tăng lên hơn 10,8 nghìn ha.

Việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có cây có múi luôn được quan tâm thông qua nhiều chương trình, đề án, chính sách. Tuy nhiên những kết quả đạt được trong sản xuất cây có múi của Bắc Giang cũng như các tỉnh phía Bắc đang gặp không ít khó khăn, như: Việc quản lý theo quy hoạch và bản đồ số vùng sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn, nông dân phát triển vùng trồng theo phong trào, tự phát.

Quản lý giống, vật tư đối với cây có múi còn nhiều bất cập, thiếu các nguồn giống sạch bệnh. Dịch bệnh vẫn xảy ra, việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến sinh thái nông nghiệp, môi trường, rút ngắn chu kỳ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chuỗi liên kết chưa nhiều và chưa bền vững…

Tại Diễn đàn có 38 câu hỏi và 15 ý kiến giải đáp của “4 nhà” (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và DN) cùng thảo luận, chia sẻ thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý xung quanh chủ đề của Diễn đàn, như: Giải pháp để trồng cây có múi đạt hiệu quả cao và bền vững; cách chăm sóc; điều chỉnh mùa vụ; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh; liên kết chuỗi từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, nhiều nhà vườn mang các mẫu cây, quả có múi bị bệnh đến Diễn đàn để đề nghị các nhà khoa học giải đáp, hướng dẫn cách phòng trừ. Trên tinh thần đó, các nhà khoa học trong Ban cố vấn đã dành phần lớn thời gian trả lời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm trồng cây có múi bên lề Diễn đàn.

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý tốt chất lượng giống cây trồng; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi. Các cơ quan nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả cao, bền vững và thân thiện với môi trường.

Các cơ quan, đơn vị chuyển giao cây giống, kỹ thuật… cần tăng cường xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả cao, an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn; xây dựng mô hình gắn với tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền với phương châm: “Một người làm, nghìn người biết, vạn người làm theo”.

Ông Tiêu đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phải đóng vai trò là cầu nối gắn kết bà con với khoa học, công nghệ, kết nối người sản xuất với thị trường để có đầu ra bền vững.

Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình mới, mô hình hiệu quả để bà con nông dân biết, học tập và làm theo.

Đối với bà con nông dân cần thực hiện theo 5 bài học: Trước khi trồng cây phải tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng; chuẩn bị đầy đủ đất đai, kinh phí và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm; luôn chủ động, sáng tạo, có khát vọng làm giàu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều ngày 5/11 các đại biểu đã đến thăm mô hình thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Thế Đại

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang