• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Những thách thức cho ngành thủy sản của tỉnh Bến Tre

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 20/05/2020
Ngày cập nhật: 22/5/2020

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, nhất là những nước đang nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam. Kết quả xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tại tỉnh, những tác động bất lợi như hạn mặn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của thủy sản, khiến nguồn thủy sản trong thiên nhiên đang cạn dần.

Thả cá giống, tôm giống góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngành thủy sản “chựng lại”

Tại tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch ước đạt 110.722 tấn (giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019) và đạt 36,91% kế hoạch năm 2020.

Những tháng đầu năm 2020, mặn từ các cửa sông chính đã xâm nhập sâu vào đất liền, nắng nóng kéo dài. Giá tôm giảm thấp đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thả giống tôm biển trong quý I, II, chậm so với kế hoạch năm 2020. Hình thức nuôi tôm quảng canh, tôm rừng đã thả hết diện tích. Đầu quý II-2020, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, tôm nuôi quảng canh (tôm - lúa) có hiện tượng chết rải rác và chậm lớn hơn so với nhiều năm trên địa bàn các xã thuộc huyện Thạnh Phú.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản, dự báo đến hết quý II-2020, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 17 - 18 ngàn đồng/kg, đầu năm 2020, giá từ 19 - 20,3 ngàn đồng/kg. Một số doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi chờ giá tăng, chưa xuất bán. Hiện nay, giá thành sản xuất cá tra dao động từ 21,5 - 23,5 ngàn đồng/kg. Do đó, đa số hộ nuôi đều lỗ nặng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, có 2 đợt nghêu chết hàng loạt ở hầu hết các hợp tác xã nghêu trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thiệt hại từ 20 - 90%. Cỡ nghêu thiệt hại từ 45 - 120 con/kg. Đến cuối tháng 4-2020, các hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, An Thủy và Rạng Đông vẫn còn xảy ra hiện tượng nghêu chết cục bộ.

Hiện nhuyễn thể được thả nuôi tập trung ở huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú với tổng diện tích 5.200ha. Trong đó, con nghêu chiếm diện tích 4.200ha, còn lại sò huyết và hàu 1.000ha. Tổng sản lượng nhuyễn thể thu hoạch ước đạt 5.770 tấn, đạt 39,79% so với kế hoạch, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Tình hình nghêu giống sinh sản tự nhiên năm nay xuất hiện muộn hơn so với hàng năm.

Hệ thống cống và đê ngăn mặn trên địa bàn một số huyện chưa hoàn chỉnh, hoạt động chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao ảnh hưởng đến quá trình lấy nước của các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung. Dịch Covid-19 xảy ra cũng gây ảnh hưởng rất lớn đối với một số loại thủy sản (tôm sú, tôm chân trắng, cá điêu hồng và cá tra) giá bị giảm thấp. Các điều kiện bất lợi trên ảnh hưởng đến hoạt động thả giống của người dân và gây khó khăn người nuôi trong việc lựa chọn đối tượng nuôi cũng như định hướng và xây dựng phương án sản xuất trong thời gian tới.

Dự báo tiếp tục khó khăn

Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ, tồn kho. Trong bối cảnh ấy, DN phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động nên càng chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II-2020 sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường EU. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

Dự báo xuất khẩu thủy sản quý II-2020 sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV-2020, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26 - 8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Đứng trước hàng loạt các vấn đề thách thức đối với sự phát triển của ngành thủy sản, bà Trần Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho rằng: “Việc đặt câu hỏi cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản là hết sức cần thiết trong thời điểm này, khi mà ngành thủy sản cả nước đang gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, Bến Tre cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề riêng như hạn mặn, thủy lợi, nghêu giống…”.

Dự kiến ngày 21-5-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì hội nghị phát triển bền vững thủy sản, nhằm thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đóng góp ý kiến, tìm hướng đi cho sự phát triển bền vững đối với mặt hàng thế mạnh của tỉnh là thủy sản trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang