Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 24/11/2020
Ngày cập nhật:
28/11/2020
Các hộ nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy sử dụng máy bơm để tăng ôxy hỗ trợ cá trong lồng nuôi.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), thế nhưng 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ, đoạn qua địa phận xã Xuân Lộc đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá lồng. Qua khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân đang thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng trên.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Thủy có tổng số 318 lồng nuôi. Tại cụm nuôi xã Xuân Lộc có 171 lồng, hiện đã có 41 lồng đã bị mắc cạn hoàn toàn, 100 lồng có nguy cơ bị mắc cạn.
Ông Trần Văn Hướng, ở khu 5, xã Xuân Lộc cho biết: “Bắt đầu từ ngày 10/11, mực nước trên sông Đà xuống thấp theo từng ngày, đỉnh điểm cạn nhất vào ngày 22/11. Với 10 lồng nuôi cá trắm, diêu hồng và cá lăng ở các kích cỡ khác nhau, tôi đã huy động nhân lực trong gia đình, sử dụng máy hút cát, máy bơm để tạo độ sâu và tăng thêm oxy hỗ trợ cá. Tuy nhiên, hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về ít nên dòng chảy trên sông rất kém, thêm vào đó, phía ngoài khu vực nuôi đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn”.
… sử dụng máy hút cát để tạo độ sâu và khơi thông dòng chảy vào lồng nuôi.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi cá lồng trên sông Đà bị ảnh hưởng do mực nước xuống thấp. Theo nhận định của người nuôi, năm nay mùa cạn đến sớm hơn so với dự tính khoảng 1 tháng và mực nước giảm tới mức kỷ lục nhất từ trước đến nay. Ông Thiều Minh Thế - Giám đốc HTX cá lồng huyện Thanh Thủy cho biết: “Để giảm thiệt hại cho các hộ nuôi, trước mắt, chúng tôi đã liên hệ, tìm kiếm các thương lái để xuất bán các loại cá đã đạt tiêu chuẩn về kích thước và trọng lượng. Đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống chúng tôi huy động nguồn nhân lực để tháo dỡ những lồng đã cạn, đẩy hệ thống dàn lồng ra vị trí nước sâu hơn và di chuyển một số loại cá có sức đề kháng cao, phù hợp với môi trường sống trong các ao, hồ chứa để san thưa mật độ cá trong lồng. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, chúng tôi phải hết sức cận thận để hạn chế tình trạng cá va vào nhau gây xây xát dẫn đến dễ bị nhiễm khuẩn rồi chết”.
Đối với các lồng cá đã đạt kích thước và trọng lượng, các hộ nhanh chóng thu hoạch bán cho các thương lái để tránh thiệt hại về kinh tế.
Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn vị trí nuôi an toàn, có mực nước ổn định để đảm bảo sản xuất, đặc biệt khi cá đạt kích cỡ xuất bán cần nhanh chóng liên hệ với các thương lái để xuất bán, tránh giữ cá, chờ giá cao; thực hiện đúng khung lịch thời vụ, thay đổi cơ cấu giống, kích thước giống nuôi phù hợp, trong đó, tăng cường sử dụng các loại giống có kích cỡ lớn và các loại giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian nuôi hoặc khi gặp sự cố bất thường có thể thu hoạch xuất bán luôn; hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản, sử dụng mô hình nuôi “sông trong ao”, nuôi trong bể tuần hoàn tiết kiệm nước, nuôi thâm canh cá giống trong ao để chủ động việc cung ứng giống ra nuôi lồng, đồng thời đây cũng là môi trường nuôi phù hợp để các hộ nuôi có thể di chuyển cá từ sông vào ao khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, Chi cục Thủy sản phối hợp với huyện và địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Đà, khuyến cáo người dân giảm quy mô nuôi cá lồng trên sông ở những vị trí đã có dấu hiệu bị bồi cát cục bộ để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Hà Nhung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.