• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông, 06/04/2020
Ngày cập nhật: 7/4/2020

Với việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm...

Đầu năm 2018, anh Hồ Năng Khoa (SN 1985), trú tại thôn Tân Thịnh, phường Quảng Thành (Gia Nghĩa), được Tỉnh đoàn Đắk Nông hỗ trợ 12 con giống heo rừng lai và chuyển giao kỹ thuật nuôi heo lai sinh sản để khởi nghiệp.

Giống heo rừng lai và công nghệ chăn nuôi đều được Tỉnh đoàn Đắk Nông mua và nhận chuyển giao từ Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí này do Tỉnh đoàn Đắk Nông hỗ trợ 100%. Qua nhiều năm chăm sóc, gây đàn, đến nay anh Khoa đã có mô hình nuôi heo rừng lai 50 con, trong đó có 20 con heo sinh sản và 30 con heo thịt. Mô hình nuôi heo mỗi năm đã mang lại thu nhập cho anh Khoa hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí.

Mô hình nuôi heo rừng của anh Khoa do Tỉnh đoàn hỗ trợ kinh phí đã mang lại hiệu quả cao

Năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai hỗ trợ 3 hộ gia đình ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) thực hiện mô hình sản xuất bơ theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí gần 65 triệu đồng.

Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật, được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi hướng dẫn chăm sóc bơ. Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình bơ của 3 hộ dân đạt được một số kết quả như: tỷ lệ bơ đậu quả đồng đều đạt trên 80%; quả bơ đạt trọng lượng quả trung bình 500 gram/quả; năng suất bơ đạt 200 kg/cây; trung bình 1 ha bơ đạt 20 tấn quả. Vụ bơ vừa qua, vườn bơ của 3 hộ dân đạt lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha.

Ngoài các mô hình trên, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và nhiều đơn vị chức năng đã đẩy mạnh các mô hình áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai nhân rộng tại cộng đồng về mô hình sử dụng nấm xanh Metarhizium Anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa; mô hình lai tạo, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô đối với các loại cây ăn trái như bơ cao sản, mắc ca, khoai lang…

Anh Nguyễn Văn Đảm, ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) sử dụng men vi sinh ủ với đậu tương để bón cho bưởi

Anh Châu Ngọc Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông cho hay, thời gian qua Tỉnh đoàn đã có nhiều chương trình, hành động để hình thành các mô hình thanh niên làm kinh tế với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ sinh học. Cho đến nay, các mô hình khởi nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều thanh niên.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành Nông nghiệp đang thực hiện luật Đa dạng sinh học, Nghị quyết 04 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học vào các khâu giống, sản xuất, phòng trừ sâu bệnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học hiệu quả. Kết quả cho thấy, cách sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thay đổi phương thức từ sản xuất theo cách làm truyền thống sang sản xuất có sự liên kết với nhau, áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc nhân rộng, phát triển các mô hình còn nhiều hạn chế vì khi đưa vào ứng dụng đòi hỏi phải có chuyên môn, vốn đầu tư.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang