• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Đã mắt’ với nông trại sản xuất công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Kon Tum, 06/07/2020
Ngày cập nhật: 7/7/2020

“Sạch” từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến… là những gì mà Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đang thực hiện để xây nên một nông trại hữu cơ. Sản xuất từ cái tâm, cho ra sản phẩm bằng cả tấm lòng là hướng đi của Hợp tác xã để đưa ra thị trường các loại trái cây sạch, cà phê sạch.

Từ những vườn cây ăn quả hữu cơ…

Trên chân đất cằn cỗi từ những vườn cao su hết chu kỳ khai thác, đất trồng mì bạc màu…mấy năm qua, các xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm đã cần mẫn gầy dựng, vun trồng để trở thành trang trại cây ăn trái tổng hợp với diện tích 16 ha (10ha trồng chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan; 6 ha trồng cam, quýt, mít Thái Lan, bơ, sầu riêng…). Tất cả các vườn cây đều bắt đầu cho những lứa quả đầu tiên, năng suất, chất lượng và được thị trường đón nhận.

Theo chân Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thúy, tham quan một vòng các vườn cây ăn quả của Hợp tác xã, chúng tôi thực sự “đã mắt” khi ngắm nhìn các loại cây trĩu quả. Đầu tiên là vườn chuối tiêu hồng đang thời kỳ thu hoạch với những hàng chuối đều tăm tắp, ken đặc buồng. Rồi vườn chuối tây Thái Lan xanh mướt bắt đầu cho lứa quả thứ 2. Băng qua con đường bên hông nhà, sau cánh cổng kín bưng là một vườn cây ăn quả với đủ loại nào là mít, sầu riêng, bơ được trồng sát hàng rào. Giữa vườn là cam, quýt, táo…cây nào quả cũng dày đặc, trĩu cành.

Vườn bơ Bút trĩu quả được chăm sóc cho thu hoạch muộn hơn vụ bơ thông thường. Ảnh: TH

Sau khi để chúng tôi được thỏa thuê ngắm nhìn, thưởng thức các loại trái cây trong vườn, chị Bùi Thị Thúy chia sẻ: Tiền thân của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm là Tổ hợp tác với mấy anh em cùng khát vọng về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi sản phẩm hữu cơ chung tay, góp vốn cùng làm.

Nghe chị Thúy tiết lộ, mỗi loại cây trong trang trại đều có một câu chuyện riêng, chứa đựng bao công sức và ấp ủ nhiều hy vọng của mỗi thành viên Hợp tác xã. Đơn cử như vườn chuối được hình thành sau rất nhiều trăn trở vì đây là đất đi thuê của người dân trong vùng, thời hạn chỉ có 5 năm nên đầu tư cây gì để nhanh được thu, ít vốn bỏ ra, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ là cả một vấn đề…Cuối cùng thì anh em quyết định chọn cây chuối. “Nói thực loại cây này vốn không xa lạ với một người dân như tôi. Chuối khá dễ trồng, đầu tư không lớn lắm, nhanh được thu và nhất là thị trường tiêu thụ hiện nay rất thuận lợi. Còn các loại cây ăn quả khác thì chúng tôi đều chọn những giống cây chất lượng cao, trồng trong vườn nhà. Bởi vì các loại cây này cần thời gian sinh trưởng, phát triển và thu hoạch dài lâu. Do vốn đầu tư cho các loại cây ăn quả này khá lớn nên anh em trong Hợp tác xã cứ làm từng bước, từng phần, lúc vài trăm cây quýt, lúc vài chục cây bơ, khi thì mươi cây sầu riêng…có đến đâu làm đến đó và đến nay đã được hơn 6ha. Thời gian trước khá vất vả, tốn kém, nhưng giờ thì sắp lấy lại được vốn rồi và chẳng bao lâu nữa thì mình thu lời” – chị Thúy trải lòng.

Vườn chuối tây Thái Lan bắt đầu cho ra lứa mới. Ảnh: TH

Xác định làm nông nghiệp hiện đại phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ mới có thương hiệu và dễ bán, nên toàn bộ 16ha cây ăn quả đều được Hợp tác xã đầu tư theo đúng quy trình kỹ thuật VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản. Hệ thống tưới nước được áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động; chỉ dùng phân hữu cơ do hợp tác xã tự ủ, không dùng phân hóa học, chỉ dùng thuốc trừ sâu sinh học…

Vì vậy, các loại trái cây của Hợp tác xã sản xuất ra được thị trường đón nhận. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan đã được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg, năng suất trung bình khoảng 600 tấn/năm, lợi nhuận thu trên 2 tỷ đồng. Các loại trái cây khác do sản lượng còn ít nên chỉ đủ cung cấp cho các thương lái trên địa bàn.

… đến hành trình làm cà phê sạch

Với nông dân huyện Đăk Hà, cà phê là cây trồng chủ lực, quen thuộc và đây cũng là một trong những loại cây trồng được các xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm chú trọng. Tuy nhiên, khác với việc sản xuất đại trà, hành trình làm ra hạt cà phê của Hợp tác xã được thực hiện theo quy trình hiện đại hơn, năng suất, chất lượng cao.

Tiếp khách với ly cà phê buổi sáng, chị Thúy giãi bày: Một ly cà phê có chất lượng thơm ngon được tạo ra khi nguyên liệu sản xuất là từ những quả cà phê chín đều khi hái, chọn lọc kỹ càng, chế biến công phu… Từ kinh nghiệm thực tế, kiến thức tích luỹ qua nhiều năm trồng cà phê, 8 thành viên của Hợp tác xã cùng nhau sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn về chất lượng, thực hiện chế biến sản phẩm bằng theo công nghệ ướt.

Cà phê nhân của Hợp tác xã được phơi cẩn thận trên bạt. Ảnh: TH

Theo chị Thúy, điểm khác biệt tạo nên hương vị cà phê riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm là sử dụng công nghệ chế biến ướt. Cà phê sau khi được thu hái về phải được chế biến ngay, không ủ đống vì sẽ làm quả cà phê lên men, giảm chất lượng. Đầu tiên cà phê được đưa vào bể rửa, rồi sàng lọc quả hư, sâu và loại bỏ quả xanh, sau đó, đưa qua máy trượt vỏ trấu bên ngoài, nhưng quả cà phê vẫn giữ được lớp vỏ lụa. Cà phê sơ chế xong sẽ được đem phơi khô, phân loại theo kích cỡ, lúc nào cần rang xay mới bóc lớp vỏ lụa. Bột cà phê nhân rang xay nguyên chất 100% vì vậy, sản phẩm giữ được hương thơm ngon đặc trưng. Trải qua nhiều giai đoạn, đi qua nhiều cung đường, bao tinh tuý của hạt cà phê được gói gọn trong tách cà phê phù hợp với khẩu vị của người sành điệu.

Diện tích trồng cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm không nhiều, chỉ hơn 10ha. Tuy nhiên, theo các thành viên của Hợp tác xã, họ không chú trọng phát triển về diện rộng mà chú tâm đầu tư vào chiều sâu để đưa ra thị trường loại cà phê thực sự tốt cho người sử dụng.

Toàn bộ quá trình sản xuất cà phê của Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ việc ghi chép quá trình chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ, phun thuốc trừ sâu sinh học nằm trong danh mục cho phép và bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch... Vì thế, mỗi hạt cà phê đều được tạo ra bằng cả cái tâm của người trồng.

Hiện nay, bước đầu sản phẩm cà phê rang xay được Hợp tác xã gửi đi tiêu thụ ở một số thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…Hợp tác xã đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận là sản phẩm OCOP, từ đó, có điều kiện, cơ hội đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường.

Nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi đúng, phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay nhưng cũng đầy nhọc nhằn, chỉ những người thực sự tâm huyết và quyết tâm mới thành công. Các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm đang hằng ngày, hằng giờ cần mẫn, vượt khó để cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị cho bản thân họ và cả cộng đồng.

THÙY HƯƠNG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang