• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Giải cứu’ hay ‘giải pháp’ cho hàng nông sản?

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 17/02/2020
Ngày cập nhật: 18/2/2020

Khi dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) hoành hành đó là lúc hàng hóa nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng bế tắc đầu ra. Nhiều loại trái cây ĐBSCL giảm giá đến 50-70%, nhiều nhà vườn ĐBSCL lao đao theo dịch nCoV… Chưa bao giờ hàng hóa nông sản ĐBSCL xảy ra "đại họa" như vậy.

Người tiêu dùng mua dưa hấu "Chung tay hỗ trợ nông dân" tại BigC Cần Thơ.

Giá mít hồi sinh…

nCoV xảy ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, đó cũng là mùa thu hoạch nhiều loại trái cây ở ĐBSCL: vú sữa, sầu riêng, xoài, bưởi, thanh long, mít, dưa hấu… Những loại trái cây này lâu nay xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc nên khi xảy ra dịch bệnh nCoV, lưu thông hàng hóa nông sản qua thị trường này gặp nhiều trở ngại khó khăn. Các vựa trái cây sau khi nghỉ Tết, gặp phải tình trạng không lưu thông được hàng hóa nông sản sang Trung Quốc, tiếp tục đóng cửa. Trên tuyến đường Nam Sông Hậu, đoạn qua huyện Kế Sách (Sóc Trăng) các vựa trái cây san sát bên nhau, trước đây lúc nào cũng nhộn nhịp mua bán các loại trái cây: mít, xoài, vú sữa, sầu riêng… nhưng qua Tết rồi các vựa vẫn còn đóng cửa.

Ông Ngô Văn Hậu, chủ vườn ven đường Nam Sông Hậu (An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết do xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gặp khó khăn nên sau Tết các chủ vựa không mua trái cây nên thương lái cũng không đến vườn mua. Ông Hậu bộc bạch: "Năm ngoái, mùa này bán trái cây tiền vô thấy ham. Mít 60.000-70.000 đồng/kg, vú sữa 15.000-20.000 đồng/kg. Mấy đứa em bà con tôi nó chỉ có mấy công mít mà bán được 8 tỉ đồng. Năm ngoái, có người ở xóm tôi bán trái mít hơn 30kg, với giá 60.000 đồng/kg, tính ra một trái mít bán được gần 2 triệu đồng…".

Còn năm nay thì sao? Khi hỏi điều này, ông Hậu lắc đầu, vẻ mặt đượm buồn, nhìn ra sạp trái cây trước đường Nam Sông Hậu, nói: "Mọi năm, xuất khẩu được, hàng hút các lái đến tận vườn mua mít, không cần lớn nhỏ cứ có mít già là họ hái. Giá cao nhất 70.000 đồng/kg, còn tệ nhất cũng 20.000 đồng/kg. Còn năm nay, từ Tết đến giờ nghe bên Trung Quốc có dịch bệnh, các vựa trái cây ở đây sợ qua đó bị lây nhiễm không dám đi hàng nên lái đâu có vô vườn mua. Chỉ một số ít lái mua về bán các chợ, giá rẻ bèo chỉ 5.000 đồng/kg mít, mà phải là mít loại loại 1 (9-10/kg trái). Vú sữa cũng vậy chỉ có 5.000 đồng/kg… Thấy giá rẻ quá, vợ tôi mới hái mít, vú sữa… ra trước lộ bán cho khách đi đường. Mít thì bán được 10.000 đồng/kg, còn vú sữa 15.000 đồng/2kg. Tính ra với gần 8 công vườn của tôi hiện nay nguồn thu nhập phải mất ít nhất 50-70 triệu đồng…".

Thất thu nhiều nhất là nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), nơi trồng mít nhiều nhất tỉnh Hậu Giang, khoảng 1.500ha (toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 5.500ha trồng mít). Một nhà vườn Ngã Sáu (Châu Thành) có 4 công mít, cho biết đầu vụ mít bán được 45.000 đồng/kg. Mới bán được 300kg thì giá tuột xuống còn có 4.000 đồng/kg. Với giá này, nhiều nhà vườn trồng mít trong 2 tuần qua bị thất thu nặng. Đây là "đại họa" của mít chưa từng xảy ra.

Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 2-2020, về lại huyện Châu Thành, trên các tuyến đường xã Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu, không khí mua mít các vựa đã nhộn nhịp trở lại. Trên đường, các lái mít dập dìu vào vườn mua mít về bán cho vựa. Ông Công Hậu, huyện Châu Thành, một lái mít cung cấp cho các vựa trái cây Tiền Giang, đóng container đi Hà Nội, cho biết trong ngày (10-2-2020) đã mua được hơn 1 tấn mít. Giá mua mít loại 1 tại vườn với giá 17.000 đồng/kg. Giá mít đã tăng giá trở lại từ 2-3 ngày nay.

Bà Đặng Thị Hằng, Vựa trái cây Hiệp Thắm 2 (huyện Châu Thành), chuyên cung cấp mít cho Trung Quốc, cho biết: "Giá mít đã tăng lại trong mấy ngày qua. Hiện tại, chúng tôi mua mít loại 1 tại vựa là 20.000 đồng/kg (loại này trước đây chỉ 4.000-5.000 đồng/kg), loại 2 từ 7-8 kg/trái là 16.000 đồng/kg. Mai mốt, Trung Quốc ăn lại, mít lên 30.000-50.000 đồng/kg bây giờ…".

Đây là tin vui cho nhà vườn trồng mít của ĐBSCL.

Cần "giải cứu" hay "giải pháp"?

Chưa có năm nào hàng hóa nông sản gặp "đại họa" như năm nay. Ảnh hưởng từ nCoV, hàng hóa nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc bế tắc. Giá trái cây các loại như dưa hấu, thanh long, mít, vú sữa… rớt giá thê thảm. Dưa hấu giá 10.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/kg, thanh long 35.000 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg, mít 60.000 đồng/kg giảm xuống còn 4.000 đồng/kg…

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, ĐBSCL kêu cứu. Bộ Công thương kêu gọi các ngành, các siêu thị "giải cứu". Hệ thống siêu thị BigC, Mega Market, Saigon Co.opMart, Vinmart,… cùng với nhiều ngành đã tham gia "giải cứu" dưa hấu, thanh long… cho nhiều địa phương. Tại BigC Cần Thơ bán Thanh Long ruột đỏ miền Tây 10.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 4.200 đồng/kg. Đây là chương trình "Chung tay hỗ trợ nông dân miền Tây" và "Chung tay hỗ trợ nông dân Gia Lai và Khánh Hòa" của Big C. Mega Market với chương trình "Hỗ trợ tiêu thụ cùng nông dân miền Tây", Mega Market Hưng Lợi-TP Cần Thơ, bán thanh long ruột đỏ giá 11.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 7.500 đồng/kg… Nhiều mạnh thường quân TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, còn bỏ tiền ra mua hàng tấn dưa hấu tặng cho người tiêu dùng nhằm "giải cứu" cho người trồng dưa hấu. Ngay cả, Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam cũng tham gia "giải cứu" nông sản Việt Nam chịu ảnh hưởng của nCoV bằng việc mua 4 tấn dưa hấu phát miễn phí cho người tiêu dùng…

Thế là hàng ngàn tấn thanh long, dưa hấu được tiêu thụ nhanh. Đây được xem như là phương án "chữa cháy" chứ không phải "phòng cháy chữa cháy". Nếu "chữa cháy" thì không thể nào tránh được thiệt hại. Chỉ có "phòng cháy chữa cháy" tốt thì mới có thể tránh được thiệt hại xảy ra. Như vậy "giải cứu" không thể nào tránh được tổn thất, đó chỉ là tạm thời. Muốn giảm bớt rủi ro, thiệt hại, thất thu hàng hóa nông sản cho nông dân cần phải có "giải pháp". Bởi đây, không chỉ lần đầu tiên "giải cứu" hàng hóa nông sản. Mấy năm gần đây, gần như năm nào điệp khúc "giải cứu" cũng được lặp lại. Dưa hấu Quảng Ngãi, rồi đến Tây Nguyên, thanh long Bình Thuận, Long An… Mỗi lần "giải cứu" đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, các ngành, các siêu thị… tham gia mua tiêu thụ cho nông dân trong một mùa vụ đang tồn đọng nông sản chứ chưa đưa ra được "giải pháp" cho nông dân để phát triển thị trường bền vững. Một chuyên gia nông nghiệp, cho rằng nông dân hiện nay 4.0. Không phải là thời nông dân cách mạng công nghệ 4.0 mà là 4 không. Không thích hợp tác, không thích áp dụng hoàn toàn công nghệ 100% tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, không chịu tiếp cận thị trường, không tự tin như nông dân thế giới. Đó là lý do mặc dù nông dân làm chủ mảnh ruộng miếng vườn của mình nhưng lại không quyết định được thị trường. Do đó, hàng hóa nông sản làm ra không quyết định được giá cả mà vẫn trông chờ may rủi của thị trường. Chính vì vậy, cần có "giải pháp" biến nông dân 4.0 thành "4.có". Đồng thời, nên có giải pháp đồng bộ giữa phát triển trồng trọt cây ăn trái với trung tâm logistics, nhà máy chế biến rau quả, thị trường cùng các kênh phân phối lưu thông để chuỗi giá trị rau quả bền vững và hiệu quả. Hiện nay, ĐBSCL hiện có hơn 300.000ha trồng cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn quả cả nước. Hằng năm, cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn quả. Với sản lượng lớn như vậy, ĐBSCL không thể nào tiêu thụ hết rau quả tươi được mà phải cần chế biến thành nước ép, mứt sấy… để trữ bán được lâu dài hơn.

Tuy nhiên, ĐBSCL chưa có trung tâm logistics để bảo quản, tồn trữ rau quả, còn nhà máy chế biến rau quả vẫn đếm trên đầu ngón tay và công suất thì chưa tương xứng với quy mô vùng sản xuất. Trái cây ĐBSCL lâu nay vẫn bán là trái tươi và trông chờ vào thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trung Quốc… Vì thế, những thị trường này biến động, rủi ro thì trái cây ĐBSCL "thất thủ" nhà vườn lao đao.

Rau quả Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sớm cần có giải pháp lâu dài chứ không phải hằng năm "giải cứu", để thị trường rau quả phát triển bền vững hơn. Đó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn để nhà vườn tránh được tổn thất rớt giá, mang lại thu nhập cho nhà vườn tốt hơn.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang