• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gò Công Đông (Tiền Giang): Hướng dẫn người dân ứng phó hạn, mặn để bảo vệ cây trồng

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 15/02/2020
Ngày cập nhật: 16/2/2020

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, độ mặn tại các kênh trục dẫn nước trong vùng dự án thủy lợi ngọt hóa Gò Công được đo vào chiều cùng ngày dao động từ 0,7 - 1,4g/l, độ mặn trên nội đồng từ 0,9 - 1,6g/l, tại một số nơi độ mặn trên ruộng lên đến 2,4g/l. Một số loại rau như: Rau răm, tía tô, húng, hẹ, rau muống,... đã bắt đầu có triệu chứng ngộ độc mặn, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây trồng trong điều kiện mặn xâm nhập như hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình mặn và công tác vận hành công trình thuộc dự án ngọt hóa Gò Công; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống hạn, mặn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức thăm đồng, khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng trong điều kiện hạn, mặn.

Đối với các ruộng, vườn đã bị nhiễm mặn, hướng dẫn nông dân bón vôi và lấy nước ngọt vào để rửa mặn; cây ăn trái cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lục bình, cỏ khô) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1g/l cho cây. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như thanh long không tưới nước có độ mặn trên 0,5g/l. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt bằng cách kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới. Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 - 1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân trung vi lượng chứa canxi, magiê, silic,… giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Không xử lý ra hoa rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

Đối với cây rau cần vận động nông dân tuyệt đối không tiếp tục xuống giống các loại rau màu mẫn cảm với mặn tại các vùng nhiễm mặn trên 0,5g/l. Chăm sóc, bón phân theo quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, vượt qua những bất lợi của thời tiết. Tuyệt đối không lấy nước bị nhiễm mặn tưới cho rau (dù độ mặn dưới 1g/l); trữ nước ngọt trên mương, ao chứa,… để tưới rau; cần giảm số lần và lượng nước tưới/lần.

Đối với cây lúa cần quản lý nước trong ruộng lúa theo hướng tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính. Bón bổ sung một số loại phân bón, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Thường xuyên theo dõi, cập nhật nguồn nước và chất lượng nước phục vụ sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nước để cung cấp cho lúa. Tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn (trên 1,5g/l) cho lúa giai đoạn lúa trổ vì giai đoạn này cây lúa rất mẫn cảm.

Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thanh chủ động phối hợp các ngành chuyên môn để nắm thông tin; tăng thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến hạn, mặn. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng trong điều kiện hạn, mặn. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn trên các kênh, kịp thời thông tin khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi độ mặn trước khi lấy nước để tưới cho vườn cây ăn trái và rau màu. Thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng trong điều kiện hạn, mặn. Tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác, chất thải, xác động vật, chăn thả gia cầm ở lòng kênh,... nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.

Lê Hồng Quân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang