• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa mía nam Trung Bộ đắng cay vì gặp hạn

Nguồn tin: Lao Động, 01/04/2020
Ngày cập nhật: 3/4/2020

Nông dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) thu hoạch mía. Ảnh: H.N

Chưa bao giờ, nhiều người trồng mía ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa lại hứng chịu một mùa mía thất bát đến thế. Do thiếu nước trầm trọng, cây mía chỉ dài... vài gang tay và chết cháy trên diện rộng.

Mía cao chỉ... vài gang tay!

Có mặt tại thôn 1, xã Ninh Trang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, chúng tôi chứng kiến diện tích ruộng mía rộng lớn héo khô, chết cháy vì thiếu nước trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Tâm (trú thôn 1, xã Ninh Trang) cho biết, nắng nóng liên tục mấy tháng qua đã làm nhiều diện tích mía ở đây không chống chọi nổi. Đất đai nứt nẻ hết. Cây mía ngắn ngủn, thân mía cao chỉ bằng một nửa so với trước.

Thương lái chê lên chê xuống, mua với giá thấp, tính ra không đủ chi phí bỏ ra chăm bẵm, nên có người cũng chẳng thèm bán.

Theo người dân địa phương, năng suất mía mọi năm từ 50-60 tấn/ha thì nay chỉ còn khoảng 30 tấn/ha. Thậm chí, nhiều ruộng mía chỉ còn 15 tấn/ha - mức thấp chưa từng thấy ở vùng mía này. Ông Nguyễn Tất Thành (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) buồn bã: “Cây mía mà như thế này, đến bò cũng không ăn”.

Nhiều năm qua, người dân vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa chủ yếu sống bằng nghề trồng mía thay vì lúa, sắn... Từ thực tế đó, nhiều hộ dân cũng mưu sinh, kiếm sống bằng nghề chặt mía. Chị Nguyễn Thị Nở (thôn Tân Hiệp, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Giờ nhiều lao động chặt mía thất nghiệp, tần suất thuê chặt mía giảm sâu hoặc nếu được thuê thì thu nhập từ nghề này giảm theo”.

Một số nhà máy đường như Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào nghiêm trọng. Do năng suất mía giảm đến 40-50%, nên mía nguyên liệu không đủ cung cấp cho nhà máy.

Vùng nguyên liệu bị “chảy máu”

Tại Phú Yên, niên vụ mía 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh trồng trên 23.600ha mía nhưng nắng hạn đã khiến 2/3 diện tích mía bị đe dọa do không có nguồn nước tưới, trong đó có 1/3 diện tích giảm năng suất. Sản lượng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh vụ này không đủ đáp ứng công suất ép của các nhà máy do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài. Thực trạng mía chết, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân đã đành, hiện có tình trạng một số tư thương đã và đang thu mua mía ở các huyện trong tỉnh, nhất là địa bàn huyện Sông Hinh và vận chuyển ra ngoài tỉnh, bán cho các nhà máy đường tỉnh bạn.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - đã ban hành cảnh cáo tình trạng trên và cho biết, ước tính sản lượng nguyên liệu mía bán ra trên 1.000 tấn mỗi ngày (tính từ ngày 4.2.2020). Theo ông Thế, tình hình mua bán mía nguyên liệu trên đã ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu của các nhà máy đường trong tỉnh, phá vỡ liên kết giữa người dân và nhà máy đường (hợp đồng đầu tư, tiêu thụ mía nguyên liệu), gây khó khăn trong việc thu hồi vốn đã đầu tư cho nông dân. Mặt khác, các xe vận chuyển mía ra ngoài tỉnh thường xuyên chở quá tải, quá khổ, không đảm bảo an toàn giao thông và làm hư hỏng hệ thống giao thông trong tỉnh.

Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý vùng nguyên liệu, đồng thời có biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển mía nguyên liệu bán ra ngoài tỉnh, như thu thuế buôn chuyến, kiểm tra diện tích mía do nhà máy đầu tư cho nông dân. Riêng nông dân trồng mía cũng được tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm các hợp đồng đã ký kết giữa các bên và chỉ rõ cho nông dân thấy được lợi ích trong việc nhà máy đầu tư cơ sở hạ tầng, vùng nguyên liệu gắn bó lâu dài với họ.

Ông Thế cho rằng, các nhà máy chế biến đường cần tổ chức thu mua mía trực tiếp cho nông dân, nhằm hạn chế tình trạng tư thương mua ép giá nông dân và bán lại cho nhà máy để kiếm lời. Đặc biệt, các nhà máy có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ nông vụ, tài xế chở mía không gây phiền hà, khó dễ người dân bán mía và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hơn 500 ha đất phải ngừng sản xuất

Tại Ninh Thuận, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích phải ngưng sản xuất, nhiều loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, mãng cầu, mít, bơ, ổi… bị khô cháy. Nhiều nơi thiếu nước trầm trọng để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đàn bò nơi đây cũng đang lâm vào tình trạng thiếu thức ăn, thiếu cỏ trầm trọng...

Ông Lê Quyết Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) cho biết, từ nhiều tháng nay trên địa bàn không có mưa dẫn đến 525ha đất phải ngừng sản xuất, trong đó, có 450ha đất trồng lúa, còn lại đất trồng cây hoa màu.

LƯU HOÀNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang