• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thành Thành Công Gia Lai: Đồng hành cùng người trồng mía

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 05/07/2020
Ngày cập nhật: 6/7/2020

Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã nỗ lực tìm các giải pháp canh tác phù hợp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây mía.

Chuyển giao kỹ thuật canh tác mới

Vùng nguyên liệu mía của TTC Gia Lai hiện có khoảng 10.000 ha, phân bố tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê và thị xã Ayun Pa. Vài năm trở lại đây, nắng hạn kéo dài, cộng với sâu bệnh gây hại khiến năng suất mía giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân. Trước thực tế đó, Công ty đã nỗ lực tìm các giải pháp phù hợp giúp người trồng mía yên tâm sản xuất. Cụ thể, Công ty chuyển giao những kỹ thuật canh tác như: trồng dặm bằng mía ươm bầu một mắt mầm, tưới tiết kiệm nước, bón phân cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây mía, canh tác mía trên vùng đất đá… Những giải pháp này góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây mía, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định.

Nông dân tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước tại ruộng mía của ông Phạm Tài Vụ (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: N.D

Ông Trần Quang Phước (làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết: “Gia đình tôi nhận khoán của Công ty khoảng 90 ha đất để trồng mía. Quy trình kỹ thuật canh tác được cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân đến thu hoạch. Đặc biệt, trong giai đoạn trồng mới, tôi chú trọng kiểm soát mật độ cây mía trên ruộng. Theo đó, sau khi trồng 30-45 ngày, những chỗ mía không mọc, tôi trồng dặm bằng mía ươm bầu một mắt mầm. Đây là giải pháp đảm bảo mía mọc đều, ít cỏ dại và lưu gốc được nhiều năm. Không những vậy, việc trồng dặm ít tốn công, mía nảy mầm đều, tỷ lệ sống cao, phát triển ngang bằng với mía trồng sớm. Nếu thời tiết thuận lợi thì năng suất mía bình quân đạt khoảng 80 tấn/ha”.

Còn ông Bùi Văn Thơm (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) cho hay: Đặc thù vùng đất Hbông có nhiều tầng đá nên khó áp dụng cơ giới hóa. Từ khi được TTC Gia Lai phổ biến phương pháp đào hố ở khu vực đồi dốc để trồng mía, gia đình đã áp dụng cho kết quả rất khả quan như không phải cày, gom đá ra khỏi ruộng. Bên cạnh đó, việc tưới nước, bón phân trực tiếp vào hố giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Cũng trồng mía bán cho TTC Gia Lai, ông Phạm Tài Vụ (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) chia sẻ: Vài năm trở lại đây, do nắng hạn kéo dài nên phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây mía, nhất là mía lưu gốc. Ruộng mía của gia đình không có nguồn nước tưới từ kênh mà phải dùng nước giếng khoan. Trong khi đó, nguồn nước giếng khoan rất hạn chế. Từ năm 2015, gia đình đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây mía. Qua thực tế, hệ thống tưới này mang lại hiệu quả rất lớn. Nước đến được khu vực tưới, chi phí cũng giảm nhiều. Việc bón phân qua hệ thống tưới đến trực tiếp bộ rễ làm tăng khả năng hấp thụ của cây mía, hạn chế phát sinh cỏ dại. Nhờ đó, cây mía phát triển đồng đều, cho năng suất cao. Dự kiến vụ ép 2020-2021, năng suất mía đạt bình quân 90 tấn/ha.

Nông dân tham quan mô hình trồng mía kỹ thuật canh tác mới. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nâng tầm cây mía để tăng sức cạnh tranh

Bà Vũ Thị Lan-Phó Giám đốc TTC Gia Lai-cho hay: “Trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất cây mía, Công ty đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người trồng mía vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh với ngành sản xuất mía đường của các nước trong khu vực. Theo đó, Công ty tập trung đầu tư cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch để giảm lao động thủ công; tưới mía ở những vùng có công trình thủy lợi; chọn giống tốt, phù hợp với từng vùng, kiểm soát sâu bệnh, trồng dặm, đưa các chế phẩm sinh học kích thích rễ để tăng chiều cao lóng, tăng chữ đường. Đối với vụ trồng mới 2019-2020, người trồng mía được đầu tư không hoàn lại tối đa 7,6 triệu đồng/ha với mía tơ, 3,3 triệu đồng/ha đối với mía gốc nếu áp dụng đầy đủ các hạng mục đầu tư thâm canh mà Công ty khuyến cáo.

Cũng theo bà Lan, việc áp dụng các biện pháp canh tác mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, bù lại phần giá cả giảm thấp. Đây được xem là giải pháp tối ưu để người dân tiếp tục yên tâm gắn bó với cây mía, góp phần ổn định vùng nguyên liệu, mang lại giá trị kinh tế ổn định cho nông dân trong thời gian tới.

NGUYỄN DIỆP

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang