Nguồn tin: Báo Long An, 07/01/2021
Ngày cập nhật:
8/1/2021
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Cổ truyền. Đây cũng là thời điểm người dân tập trung chăm sóc đàn vật nuôi để phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Tăng cường tiêm phòng trên gia súc, gia cầm
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 71.000 con heo, trên 127.000 con trâu, bò và trên 9 triệu con GC. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh trên GSGC diễn biến phức tạp, nhất là ở huyện Cần Đước và Tân Trụ, xảy ra các ổ dịch nhỏ, lẻ và trên các đàn vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ. Cụ thể, đã có 7 ổ dịch cúm GC, tiêu hủy tổng cộng 19.309 con, trong đó 3 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại huyện Thạnh Hóa, Cần Đước; 4 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại huyện Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành. Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 13 hộ thuộc 13 xã của 9 huyện: Cần Đước, Tân Thạnh, Đức Hòa, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Hưng, với tổng số 167 con bị tiêu hủy; dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đã xảy ra tại 9 hộ thuộc 4 xã của 3 huyện: Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước, với 44 con bệnh, 6 con bị tiêu hủy.
Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh chủ yếu liên quan đến việc tái đàn, nhập đàn mới, mua con giống không rõ nguồn gốc, không thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan thú y, nhất là người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng hoặc khi phát hiện bệnh không báo ngay với cơ quan thú ý mà tự ý điều trị. Ngoài ra, thời tiết giao mùa cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh dịch bệnh.
Xác định được các nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, nhất là thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC với phương châm kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Bích Hằng cho biết, vừa qua, xã Tân Tây xuất hiện ổ DTHCP trên đàn heo 13 con, mỗi con khoảng 40kg. Sau khi nhận được tin báo, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu test nhanh và cho kết quả dương tính với DTHCP. Theo đó, ngành chức năng đã tiêu hủy số heo bị nhiễm bệnh theo quy định; tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại và các hộ xung quanh; khoanh vùng các xã bị uy hiếp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh trên GSGC.
“Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn, trong trường hợp tái đàn phải mua con giống có nguồn gốc, thường xuyên tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của ngành Thú y. đặc biệt, khi thấy hiện tượng bất thường trên đàn GSGC phải báo ngay với cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp giải quyết nhanh, tránh tình trạng lây lan dịch trên diện rộng, ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác” - bà Hằng cho biết thêm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Nhận thấy tình hình dịch bệnh trên GSGC diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các địa bàn giáp ranh với các địa phương xảy ra dịch. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Hiện nay, huyện đã lập danh sách các xã nằm trong vùng uy hiếp như Thuận Thành, Phước Vân, Phước Lâm, Phước Hậu và Long Thượng. Đây là những địa phương giáp ranh với huyện Cần Đước có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các cơ quan liên quan đến các địa phương kiểm tra các nội dung: Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên GSGC; kế hoạch triển khai tiêu độc, khử trùng; kế hoạch triển khai các đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh miễn phí trên GSGC; ban kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh. Nhìn chung, các xã đều thực hiện đầy đủ các kế hoạch của ngành đưa ra”.
Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi được xem là “chìa khóa” phòng, chống dịch bệnh trên GSGC một cách hiệu quả. Hiểu được điều này, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, nói: “Nghe thông tin một số địa phương trong tỉnh xảy ra dịch bệnh, gia đình tôi cũng rất lo lắng mặc dù đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi và thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Trước tình hình này, gia đình tôi hạn chế người ra, vào chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,... Tôi hy vọng người chăn nuôi nào cũng ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm lợi ích chung của người chăn nuôi”.
Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin, để bảo đảm vụ chăn nuôi tết của người dân trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp các lực lượng chuyên môn tăng cường giám sát việc tái đàn, tăng đàn và tình hình dịch bệnh ở từng hộ gia đình. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi xảy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động khai báo việc tái đàn và tiêm phòng các bệnh trên GSGC để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
“Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh; vận động người chăn nuôi khi phát hiện GSGC có biểu hiện bệnh, chết bất thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định bệnh, không bán chạy, không vứt xác GSGC chết ra môi trường, không giết mổ GSGC bệnh chết làm thực phẩm,...” - ông Vấn thông tin thêm.
Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp bởi thời tiết thay đổi, tổng đàn GSGC gia tăng, mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa, tình trạng giết mổ GSGC nhỏ, lẻ còn khó kiểm soát, mầm bệnh vẫn còn lưu hành nhiều trong môi trường và việc vận chuyển GSGC giữa các địa phương tăng cao vào dịp tết.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, nhằm bảo đảm an toàn trong chăn nuôi GSGC từ nay đến Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn GSGC, yêu cầu phải đạt hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng; tăng cường nhắc nhở lực lượng thú y địa phương thực hiện việc giám sát chặt chẽ công tác tái đàn heo; đồng thời, triển khai hiệu quả công tác tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh tồn tại trong môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.
“Đối với DTHCP, do loại bệnh này chưa có vắc-xin phòng ngừa, vi-rút dịch bệnh có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Đặc biệt, vào dịp tết, tổng đàn heo tăng cao do người dân tái đàn, phục vụ nhu cầu sử dụng thịt heo để làm thực phẩm. Do đó, Sở đã có văn bản phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, yêu cầu không được chủ quan, lơ là, cần phải thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: Mua con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên,...; đồng thời, thực hiện tốt việc khử trùng xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.
Ngoài các giải pháp trên, Sở tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, Sở chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm kịp thời ngăn chặn, xử lý nhanh các ổ bệnh DTHCP phát sinh” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm.
Với tinh thần chủ động của cả hệ thống chính trị, tin rằng việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC sẽ được bảo đảm, góp phần tích cực vào việc tái đàn trong chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh./.
Lê Ngọc - Bùi Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.