• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thận trọng tái đàn vật nuôi

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 13/03/2021
Ngày cập nhật: 15/3/2021

Chị Lê Thị Kim, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh.

Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, dịch cúm gia cầm cũng đã được khống chế nên các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bắt đầu tái đàn sau Tết để phục vụ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, do giá con giống vẫn ở mức cao cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng nên bà con rất thận trọng trong việc tái đàn. Đặc biệt, các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh được chú trọng.

Đến thăm chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Lê Thị Kim, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), ngay từ cổng vào chúng tôi đã thấy chị rắc vôi bột trắng cả lối đi. Do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn phúc tạp nên để đảm bảo an toàn, chúng tôi chỉ đứng từ xa quan sát chứ không đến gần chuồng nuôi. Trò chuyện với chúng tôi, chị Kim chia sẻ: Hằng tuần, tôi đều phun khử trùng tiêu độc 2 lần và chỉ có người trong nhà mặc đầy đủ quần áo bảo hộ mới được vào khu vực chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi mới vào đàn 80 con lợn thịt và nuôi 5 con lợn nái. Do giá lợn giống vẫn ở mức cao, từ 2,5-3 triệu đồng/con, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 25.000 đồng/1 bao 25kg nên nếu tính cả chi phí tiêm vắc-xin và phòng, chống dịch bệnh thì nếu giá lợn dưới 55.000 đồng/kg, chúng tôi sẽ bị thua lỗ. Vì thế, vừa nuôi tôi vừa theo dõi, cập nhật liên tuch thông tin tình hình dịch bệnh và giá cả thịt lợn, nếu trên địa bàn tỉnh không tái phát dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi mới dám tăng đàn lên quy mô hơn 100 con/lứa như trước dịch.

Còn tại Hợp tác xã Hướng Dương, xóm Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương), thời điểm này, các thành viên đang vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi để chuẩn bị vào đàn 1,5 vạn con gà ri lai. Chị Nguyễn Thị Ly, Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Hiện, giá gà giống dao dộng ở mức 12-14 nghìn đồng/con tùy loại, tương đương với mọi năm nhưng giá cám tăng cao nên chúng tôi cũng phải tính toán cho gà ăn bổ sung thêm các loại thức ăn như ngô, sắn… Đặc biệt, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh nên chúng tôi cũng sẽ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của vật nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Còn đối với đàn lợn, Hợp tác xã vẫn duy trì quy mô nuôi 1.500 con/lứa như năm ngoái.

Thực tế, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, dịch cúm gia cầm cũng đã được khống chế nên người chăn nuôi cũng yên tâm phần nào khi tái đàn để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, bà con nên tái đàn thận trọng, theo dõi thông tin thị trường chứ không tăng đàn ồ ạt. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch cũng như tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, thời điểm này, có khoảng 90% số hộ chăn nuôi đã tập trung tái đàn lợn với số lượng gần 600 nghìn con (kế hoạch năm 2021 là 650 nghìn con), tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Đây đa phần đều là ở các trang trại chăn nuôi tập trung, đảm bảo được quy trình an toàn dịch bệnh. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không chủ động được về nguồn con giống thì đa phần vẫn bỏ trống chuồng. Đối với các hộ chăn nuôi gà, có khoảng 83% số hộ tái đàn với số lượng gần 13 triệu con (kế hoạch năm 2021 là 15,5 triệu con), các hộ còn lại chưa vào đàn mới vì vẫn còn gà tồn chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức triển khai kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc-xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ thú y viên, tăng cường hoạt động của hệ thống mạng lưới thú y cơ sở. Cùng với đó, đề nghị các địa phương giám sát tình hình dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi và báo cáo kịp thời để có giải pháp xử lý.

Khánh Thiện

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang