Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 23/03/2021
Ngày cập nhật:
24/3/2021
Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cộng với giống dâu và giống tằm mới, cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, trồng dâu nuôi tằm đã và đang trở thành nghề chủ lực mang lại sinh kế ổn định cho người dân xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Bình Thạnh và huyện Đức Trọng tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của người dân xã Bình Thạnh
Theo ông Bùi Đức Đảm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, toàn xã hiện có gần 500 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, với 305 ha dâu cao sản F7 được chăm sóc kỹ, đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho tằm. Bà con Bình Thạnh nuôi tằm con bắt đầu từ tuổi 4, chỉ cần nuôi thêm khoảng 15 ngày là cho thu hoạch kén. Thay vì nuôi theo nong như cách truyền thống, giờ đây bà con sử dụng khay trượt, né gỗ công nghệ mới để nuôi tằm.
“Từ năm 2017, người dân trên địa bàn đã bắt đầu chuyển đổi mạnh từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang có chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm đang thuận lợi, giá kén ổn định, dù có thời điểm giá kén giảm xuống 70-80 ngàn đồng/kg thì bà con vẫn có lãi. Thời điểm hiện nay giá kén tăng lên 160 ngàn đồng/kg; với mỗi hộp tằm giống có giá từ 900 đến 1 triệu đồng, sau 15 ngày chăm sóc bà con sẽ thu lãi từ 6-8 triệu đồng. Thêm vào đó, trên địa bàn xã luôn có sẵn các đơn vị thu mua, bao tiêu, nên bà con nông dân không phải vất vả tìm đầu ra” - Ông Bùi Đức Đảm cho biết thêm.
Ông Phạm Văn Thụ là một trong những nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả ở xã Bình Thạnh. Ông Thụ cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng 2 sào dâu, còn lại là trồng lúa, hoa màu. 2 năm nay, thấy trồng hoa màu, lúa không hiệu quả, ông bàn với vợ chuyển 8 sào đất còn lại sang trồng dâu nuôi tằm. Qua một năm chuyển đổi, ông Thụ nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, vì cùng một diện tích đất, nhưng nghề trồng dâu tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với rau, lúa, có lúc gấp ba, gấp bốn lần nếu được giá.
Chị Trần Hoàng Anh Thư cũng là một trong những hộ gia đình nuôi tằm có hiệu quả tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh. Chị Thư cho biết: “So với cách nuôi tằm truyền thống thì việc nuôi tằm bằng khay trượt nhàn hơn rất nhiều, hiệu quả lại vượt trội, không phải bê lên, bê xuống, chỉ việc kéo ra bỏ dâu vào là tằm ăn, sau 1 lứa nuôi mới phải vệ sinh khay. Hơn nữa, nuôi tằm bằng khay trượt còn tiết kiệm được diện tích nuôi và đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, còn tận dụng được lao động lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc trồng lúa hay cà phê”.
Anh Nguyễn Văn Nhân, thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh cũng cho biết, trước đây, gia đình anh nuôi 2 thùng ong, cộng với 3 sào trồng hoa màu, thu nhập cũng ổn định. Nhưng vài năm gần đây, ong bị bệnh chết, khiến gia đình gặp khó khăn. “Suy đi tính lại rất nhiều, cuối cùng vợ chồng tôi bàn nhau quyết định không nuôi ong nữa và mạnh dạn chuyển sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2019. Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, giá tằm xuống, cũng gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình vẫn quyết bám trụ với nghề tằm tang này, với lại những lúc đó, các đại lý thu mua cũng cho mình mua nợ vật tư nên cũng đỡ lo và từ đầu năm 2021 đến nay, giá tằm đang lên nên thu nhập cũng được, tôi cũng thấy rất mừng” - anh Nhân chia sẻ.
Những năm gần đây, người dân xã Bình Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Trải qua những thăng trầm của nghề tằm tang, bà con xã Bình Thạnh đã tìm hiểu và tiếp cận với kỹ thuật, phương thức sản xuất mới, giúp nghề nuôi tằm không còn phải là “nghề ăn cơm đứng” tất bật, vất vả và nhiều rủi ro như trước kia. Đồng thời, với việc thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, giá cả đầu ra tương đối ổn định giúp nghề trồng dâu, nuôi tằm nơi đây hiện nay đã không phải là để xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con xã Bình Thạnh vươn lên làm giàu chính đáng.
NHẬT MINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.