Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 29/03/2021
Ngày cập nhật:
30/3/2021
Hiện nay, mô hình chăn nuôi dê lấy thịt phát triển khá mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Song song với việc phát triển về số lượng, các hộ chăn nuôi đã tiến hành nhập giống mới, lai tạo những giống dê nhập ngoại với giống dê Việt Nam được chọn lọc các gen quý nhằm tăng chất lượng đàn dê, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Năm 2018, gia đình anh Trịnh Trọng Nghĩa, bon Bu Boong, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) đầu tư chuồng trại, mua 4 con dê Boer về chăn nuôi. Đây là giống dê ngoại nhập có nguồn gốc Nam Phi. Dê Boer có đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, năng suất cao, cho sản lượng thịt lớn, chất lượng thịt được đánh giá ngon, thịt mềm, chứa nhiều chất đạm, chất béo.
Dê Boer lai có nhiều ưu điểm vượt trội trong chăn nuôi
Trung bình dê đẻ từ 2-3 con/lứa, mỗi lứa cách nhau 7 tháng. Từ tháng thứ 5 trở đi đã có thể cho phối giống. Dê con mới được sinh ra có trọng lượng trung bình khoảng 3 kg. Dê Boer trưởng thành có thể đạt trọng lượng hơn 100 kg/con.
Anh Nghĩa cho biết, sau 2 năm tích cực chăm sóc, nhân rộng mô hình, gia đình anh đã thu hồi vốn, lợi nhuận gần 100 triệu đồng và tăng đàn dê lên gần 30 con. Với mức độ như hiện nay, mỗi năm 20 con dê Boer mẹ có thể sinh sản, mang lại thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tương tự, thấy dê Bách Thảo lâu lớn, trọng lượng nhỏ nên anh Đặng Anh Tuấn, bon Bu Boong, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cũng mua một con dê Boer đực để về phối giống với đàn dê Bách Thảo của gia đình.
Theo anh Tuấn, giống dê Boer ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Dê Boer cũng khá mắn đẻ, nhanh lớn, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh. Dê có ngoại hình đặc trưng hướng thịt, tròn mình, chân thấp, cơ bắp nở nang, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao 50-55%. Sau khi lai tạo giống, đàn dê của gia đình có lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi các giống dê thông thường.
Mô hình nuôi dê còn giúp các hộ dân có nguồn phân chăm bón cho cây trồng
Theo các hộ chăn nuôi dê, mặc dù dê đẻ không nhiều con hơn so với giống dê Bách Thảo, song bù lại dê con to, đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg ngay lúc mới sinh. Dê nhanh lớn, sau 5 - 6 tháng đã đạt trọng lượng từ 32 -35 kg/con. Trong khi đó, dê Bách Thảo chỉ đạt trọng lượng khoảng 18 - 20 kg/con. Mặt khác, giá dê giống và dê thịt Boer cũng cao hơn dê Bách Thảo.
Cụ thể, dê giống có giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, còn dê thịt dao động ở mức 140 đến 160 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, dê giống và dê thịt Bách Thảo chỉ dao động ở mức 100 đến 120 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều hộ đã đưa giống dê Boer vào chăn nuôi, phối giống, lai đàn với dê Bách Thảo cho ra giống dê Boer lai với chất lượng thịt và sữa hơn hẳn…
Theo bà Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk N’Drung, hiện nay trên địa bàn xã Đắk N’Drung có hàng trăm hộ nuôi dê, với tổng đàn gần 1.000 con. Cùng với việc khuyến khích người dân phát triển giống dê Boer để tăng thu nhập, cải tạo giống dê địa phương, xã Đắk N’Drung cũng khuyến cáo người dân chú trọng khâu lựa chọn con giống, thay giống định kỳ, bảo đảm chuồng trại, trồng cỏ, cây làm thức ăn, chú ý vệ sinh, phòng bệnh, tăng cường liên kết đầu ra cho sản phẩm...
Bài, ảnh: Mẫn Doanh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.