Nguồn tin: Báo Lào Cai, 9/1/2021
Ngày cập nhật:
11/1/2021
Những ngày này, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt rét đậm, rét hại, kèm theo sương muối. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng nhân dân đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống rét nhằm bảo vệ đàn gia súc.
Có mặt tại xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), thời tiết ở đây rét buốt, mây mù phủ trắng các ngọn núi, gió lùa từng cơn buốt giá. Mặc cho mưa rét thấu xương, các hộ dân vẫn đi cắt cỏ, che chắn chuồng nuôi bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình. Để bảo vệ tài sản của gia đình trong những ngày mưa rét, hộ ông Hầu A Cừ, thôn Ngải Chồ chủ động nuôi nhốt trâu trong chuồng, các thành viên trong gia đình thay nhau đi cắt cỏ cho trâu. Cùng với đó, gia đình còn nấu cám ngô với quả thảo quả cho ăn nhằm tăng sức đề kháng, giúp đàn trâu có sức khỏe để vượt qua những ngày đông rét buốt.
Người dân xã Y Tý dự trữ thức ăn cho gia súc.
Xã Y Tý hiện có trên 200 con gia súc, rút kinh nghiệm các năm trước, xã đã chủ động chuẩn bị phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc ngay từ đầu mùa đông. Theo đó, xã đã chỉ đạo các thôn, tuyên truyền vận động nhân dân dự trữ rơm, bi ngô, cỏ khô, tu sửa chuồng nuôi. Cán bộ xã đi đến từng thôn, hộ chăn nuôi để hướng dẫn người dân kỹ thuật ủ cỏ làm thức ăn cho gia súc, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Để bảo vệ đàn gia súc trước trận “đại hàn” của mùa đông năm nay, người dân đã chủ động nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng, tích trữ rơm, cỏ khô, trồng cỏ voi làm thức ăn, mua bạt ni lông che, chắn chuồng để chống rét. Nhiều hộ chủ động nấu nước thảo quả, nấu cám ngô với thảo quả cho trâu ăn để tăng sức đề kháng, dùng vải dày, chăn bông cũ buộc vào chân trâu, bò để chống cước chân.
Người dân thị xã Sa Pa di chuyển đàn trâu đi tránh rét.
Tại thị xã Sa Pa, ngay từ đầu mùa đông, UBND thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị phòng, chống rét và dự trữ thức ăn cho gia súc. Các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống rét cho gia súc của thị xã đã trực tiếp xuống các xã, phường để kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn chuồng nuôi, sưởi ấm và chủ động nguồn thức ăn cho gia súc. Đồng thời yêu cầu các xã, phường kiên quyết không để người dân chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Thực hiện chỉ đạo của thị xã, các xã, phường: Hàm Rồng, Trung Chải, Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn… đã di chuyển đàn trâu đến những nơi có nhiệt độ ấm hơn tránh rét. Để tránh thiệt hại, người dân thị xã Sa Pa vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình.
Còn tại huyện Mường Khương, nơi có đàn trâu, bò trên 18.000 con đang được người dân cẩn trọng bảo vệ qua mùa đông. Mọi biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc được huyện chủ động triển khai tuyên truyền, vận động đến nông dân ngay từ khi chớm đầu mùa đông. Các khuyến nông viên, thú y cơ sở được tăng cường công tác bám nắm địa bàn, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc như gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và sưởi ấm cho gia súc khi rét đậm, rét hại.
Ngoài ra, huyện Mường Khương còn vận động hộ dân tích cực trồng cỏ, ngô trên diện tích đất trống để làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, 100% gia súc trên địa bàn huyện đã được tiêm phòng đợt 2; trên 3.100 hộ (chiếm 75%) có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét; không có hộ thả rông gia súc. Có trên 4.300 hộ chăn nuôi (chiếm 93% tổng số hộ chăn nuôi toàn huyện) đã dự trữ thức ăn đáp ứng 50% – 90% nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Diện tích trồng cỏ đạt 250 ha, diện tích trồng ngô dày gần 5 ha.
Người dân Mường Khương chủ động che chắn chuồng nuôi gia súc
Những ngày này, các thành viên trong gia đình bà Sùng Doa, xã La Pan Tẩn (Mường Khương) gác lại mọi công việc khác để tập trung chăm sóc 3 con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình. Mỗi người một việc, con trai lớn đi cắt cỏ, chồng thì che chắn chuồng nuôi, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, còn bà thì nấu cám ngô cho trâu. Bà Doa chia sẻ: Những ngày đầu của mùa đông, khi cỏ tự nhiên vẫn còn thì tranh thủ đi cắt làm thức ăn cho trâu. Giữa mùa đông thì cho ăn rơm khô, bi ngô dự trữ. Ngoài ra cần bổ sung thức ăn tinh bột như cám ngô, cám gạo nấu, cho uống nước muối loãng để tăng cường sức khỏe cho đàn trâu.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi rất tích cực. Để bảo vệ đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, cán bộ nông nghiệp và các địa phương vận động các gia đình mua bạt để che mái, quây xung quanh chuồng chống gió lùa. Hiện, các hộ dân đang tích cực lo đủ thức ăn, đảm bảo nền chuồng khô ráo để gia súc vượt qua được đợt rét đậm này.
Theo dự báo, đợt rét đậm, rét hại này còn kéo dài, người dân vùng cao các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang nỗ lực chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc.
Kim Thoa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.