Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 28/04/2021
Ngày cập nhật:
30/4/2021
Thời gian gần đây, giá gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh song nguồn cung sản phẩm này ra thị trường hạn chế. Trước tình hình này, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt để hạn chế thiệt hại; đồng thời thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khâu tiêu thụ sản phẩm.
Giá tăng mạnh
Giá gà thương phẩm tăng giúp người chăn nuôi có lãi. Ảnh: Nông dân thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) chăm sóc đàn gà.
Khảo sát tại huyện Yên Thế cho thấy, hiện nay, gà mía lai và ri lai từ 5- 5,5 tháng tuổi giá 88-90 nghìn đồng/kg, tăng hơn 30 nghìn đồng so với dịp sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; gà 4 tháng tuổi giá 60 nghìn đồng/kg.
Các loại gà lai Hồ, lai chọi cũng tăng cao, dao động từ 60- 65 nghìn đồng/kg, tùy tuổi gà. Với giá hiện tại, người nuôi gà thu lãi cao.
Nhiều hộ dân tiếp tục kỳ vọng gà tiếp tục được giá sau thời gian dài xuống thấp, là cơ hội bù đắp lại những lứa lỗ, hòa vốn trước đó.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế) nuôi 5 nghìn con gà mỗi lứa và còn khoảng 20 ngày nữa được xuất chuồng. Ông Hiếu nói: “Lứa trước với 4 nghìn con tôi bán được 40-42 nghìn đồng/kg, lỗ khoảng 60 triệu đồng. Giá gà đang tăng hơn và dự kiến còn tăng cao nữa nên tôi đang tập trung chăm sóc để gà khỏe mạnh, bán được giá”.
Cơ sở ấp nở trứng gia cầm của hộ ông Văn Hữu Vượng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).
Tại các huyện: Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên... một số người chăn nuôi cho biết, giá gà 4 tháng tuổi bình quân 65-70 nghìn đồng/kg. Lý giải về tình trạng này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, từ tháng 2 (sau Tết Nguyên đán) giá gà xuống rất thấp, có thời điểm 40 nghìn đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong hạn chế tụ tập đông người, không tổ chức các lễ hội, cưới hỏi… nên nhu cầu tiêu dùng thịt gà giảm. Điều này đã làm giá gà thương phẩm tụt dốc, người dân không tái đàn hoặc tái đàn rất nhỏ giọt.
Khi đó, những người sản xuất gà giống cũng giảm quy mô, có cơ sở chăn nuôi gà sinh sản áp dụng biện pháp dinh dưỡng để hãm tỷ lệ gà đẻ trứng. Hộ ông Nguyễn Văn Tập, thôn Cầu Đồng 10, xã Ngọc Lý (Tân Yên) nuôi hơn 3,5 nghìn gà mái nhưng thời điểm tháng 3 ông chỉ cho khoảng 60% gà sinh sản, còn lại thải loại dần để giảm lỗ. Lúc đó, giá gà giống cũng chỉ 2-2,5 nghìn đồng/con.
Người dân hạn chế vào đàn nên ước tính bình quân lượng gà thương phẩm toàn tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 1,6 triệu con/tháng, bằng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung giảm cộng với dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều đám cưới, sự kiện, họp mặt, lễ hội, du lịch… bắt đầu hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu dùng thịt gà tăng đã đẩy giá tăng lên.
Một số hộ chăn nuôi tăng cường vào đàn nuôi lứa mới giúp việc tiêu thụ gà giống thuận lợi hơn. Gia đình ông Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) mỗi ngày xuất bán ra thị trường 2 vạn gà giống, tăng gấp đôi so với tháng 2 và tháng 3. Giá bán gà giống 12 nghìn đồng/con, tăng 5-7 nghìn đồng so với trước đó.
Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi
Khu nuôi gà giống gốc tại Trung tâm gà Giống gốc Dabaco Yên Thế.
Bắc Giang là địa phương trọng điểm chăn nuôi gia cầm, có tổng đàn đứng thứ 3 cả nước, đàn gà dao động khoảng 15-16 triệu con. Với việc nguồn cung thiếu như hiện nay cũng sẽ tác động lớn đến thị trường gia cầm. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, việc giá gà tăng như hiện nay chỉ tạm thời, đây là kết quả của việc dồn nén sau một thời gian dài kiểm soát dịch Covid-19. Dự báo, dịch bệnh ở người tiếp tục diễn biến phức tạp và siết chặt quản lý hơn việc tụ tập đông người nên nhu cầu thực phẩm, trong đó có gia cầm sẽ không tăng mạnh.
Để chăn nuôi gà nói riêng và gia cầm nói chung phát triển bền vững, ông Tùng cho biết, trước mắt Sở chỉ đạo cán bộ của ngành tăng cường kiểm dịch, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để giúp người dân tiêu thụ gà. Từ nay đến giữa năm 2021, ngành chỉ đạo tái đàn vừa phải, duy trì tổng đàn gà ở mức 17 triệu con. Từ tháng 8 trở đi, thời tiết dịu mát, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn sẽ tăng tổng đàn lên 19 triệu con.
Về lâu dài, Sở tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi và vùng an toàn dịch bệnh; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi liên kết; linh hoạt trong điều hành chỉ đạo sản xuất trên cơ sở bám sát diễn biến của dịch Covid-19.
“Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cán bộ chuyên môn phải bám sát cơ sở, tăng cường kiểm dịch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm lưu thông ra ngoài địa bàn”- ông Từng nói.
Đi đôi với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng công tác thống kê tổng đàn chăn nuôi cần thực hiện thường xuyên, người dân hợp tác khai báo để có số liệu chính xác dự báo thị trường gia cầm; tính toán quy mô tổng đàn hợp lý, giúp người dân định hướng chăn nuôi phù hợp, cân đối cung cầu.
Bài, ảnh: Trường Sơn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.