Nguồn tin: Báo Bình Dương, 4/5/2021
Ngày cập nhật:
6/5/2021
Qua thời gian, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch theo hướng trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao
Chăn nuôi an toàn sinh học
Để triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở địa phương, trong những năm qua, ngành chăn nuôi đã tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ra đời nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Hiện hơn 70% tổng đàn heo, gà đều được đầu tư theo quy mô trang trại công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao…
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ổn định với 142 trang trại gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn gần 8,1 triệu con; heo thịt, heo giống 154 trang trại với tổng đàn gần 518.000 con; vịt thịt có 15 trại với số lượng 205.600 con; bò sữa có 2 trang trại với quy mô đang nuôi 849 con. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 khu chăn nuôi công nghệ cao hoạt động đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư, diện tích trên 17ha, với trên 20 trại chăn nuôi, tổng đàn gần 1 triệu con. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, diện tích 78,5ha, với trên 12 trại gà, tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị. Khu chăn nuôi bò sữa do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư, với tổng đàn trên 850 con.
Bên cạnh việc duy trì tổng đàn chăn nuôi phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua được kiểm soát tốt. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có 4 huyện được công nhận là an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo cổ điển; 5 vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle, 1 vùng an toàn dịch bệnh dại. Như vậy, Bình Dương có 10 vùng/22 vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước.
Phát triển bền vững
Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương phát triển chăn nuôi theo chuỗi phục vụ chế biến và xuất khẩu; từng bước thay đổi căn bản ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững. Theo đó, ngành chăn nuôi trong tỉnh đã áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh và ổn định đầu ra. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, trong đó có 10 cơ sở chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng thương phẩm và 24 cơ sở chăn nuôi heo thịt.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết để phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, chi cục sẽ quan tâm quản lý có hiệu quả hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật. Đặc biệt, Chi cục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; từng bước nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3372/UBND-KT về việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật do dịch bệnh gây ra.
THOẠI PHƯƠNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.