Nguồn tin: Báo Long An, 17/05/2021
Ngày cập nhật:
18/5/2021
Sau hơn 10 ngày xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm (DCGC) tại huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), đến nay dịch bệnh cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh mật độ chăn nuôi rất cao tại đây cộng với thời tiết đang chuyển mùa, diễn biến bất lợi thì nguy cơ lây lan, bùng phát DCGC là rất lớn.
Những ngày đầu tháng 5/2021, tại ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An xuất hiện 1 ổ DCGC do chủng vi-rút cúm A H5N6 gây ra tại hộ chăn nuôi. Ngay sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số GC tại các hộ phát dịch với tổng số gần 100 con và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại chỗ; đồng thời, phun thuốc khử trùng, tiêu độc các phương tiện ra, vào vùng dịch và xung quanh các chuồng trại gần khu vực phát hiện ổ dịch,… Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch vẫn rất lớn vì tổng số gia cầm (GC) tại huyện Thạnh Hóa cao, với trên 2,3 triệu con, trong đó số lượng GC được nuôi theo quy mô trang trại là trên 2,2 triệu con.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, ngay khi phát hiện ổ dịch, toàn bộ các xã, thị trấn của huyện đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường để phòng, chống dịch bệnh gia súc, GC. Đối tượng tập trung được tiêu độc, khử trùng là các khu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, kinh doanh gia súc, GC, khu vực các ổ dịch cũ và địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu vực chôn lấp, tiêu hủy động vật mắc bệnh chết. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách chăn nuôi an toàn, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tránh thiệt hại cho đàn vật nuôi.
Tiêm phòng bảo vệ đàn gia cầm
Nhiều năm trở lại đây, chị Trần Thị Lệ, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, thường xuyên chăn nuôi GC với số lượng lớn. Nhận thức rõ công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả sẽ giúp việc chăn nuôi thành công, tránh thua lỗ nên ngoài việc hàng ngày chăm sóc đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột, chị Lệ còn tiêm phòng vắc-xin các loại dịch bệnh cho đàn GC. Chị Lệ cho biết: “Để chăn nuôi hiệu quả, người chăn nuôi phải chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không nên trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Khi vừa biết thông tin DCGC có nguy cơ tái phát, gia đình tôi chủ động đi mua vắc-xin về tiêm phòng cho đàn GC”.
Còn ông Nguyễn Văn In, hộ nuôi gà ở xã Thủy Tây, cho biết: “Qua tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ Thú y, tôi đã ý thức hơn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm cho đàn GC cũng như có phương pháp tự bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm cúm từ GC sang người”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin, những năm qua, chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Vì thế, công tác quản lý dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc, GC là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Trong những năm qua, cùng với việc tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện cũng tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, GC.
“Đến nay, toàn huyện có gần 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ xen kẽ trong khu dân cư vẫn còn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Cùng với đó, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, GC thủ công nhỏ, lẻ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường vẫn tồn tại trong khu dân cư, cho nên công tác quản lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ lây nhiễm trên đàn gia súc, GC luôn ở mức cao, nhất là trong điều kiện thời tiết đang chuyển mùa như hiện nay làm sức đề kháng của GC giảm, mầm bệnh dễ lây lan” - ông Kha cho biết thêm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh đề nghị: Ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống DCGC. Trước mắt thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại các hộ chăn nuôi có dịch từ 7-10 ngày để diệt mầm bệnh, với tần suất 1 lần/ngày; tại địa phương có dịch với tần suất 2 lần/tuần. Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm soát chặt việc xuất, nhập GC, sản phẩm GC ra, vào khu vực ổ dịch. Các cấp, các ngành của huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân về biện pháp phòng, chống DCGC; các chính sách hỗ trợ khi tiêu hủy GC do dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động thông báo với chính quyền, cơ quan thú y khi có GC ốm, chết, nghi mắc bệnh. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy và giết, mổ GC mắc bệnh, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, ổ DCGC do chủng vi-rút cúm A H5N6 gây ra tại huyện Thạnh Hóa đã được khống chế nhưng các địa phương không được chủ quan, phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, GC và tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó cần tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn GC đạt trên 80% tổng đàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc-xin tiêm phòng để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; dự báo tốt diễn biến dịch để chủ động tham mưu, đề xuất mua sắm hóa chất, vật tư, dụng cụ chuyên ngành cho công tác phòng, chống dịch bệnh./.
Bùi Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.