Nguồn tin: Hà Nội Mới, 19/05/2021
Ngày cập nhật:
21/5/2021
Khoảng 2 tuần nay, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng, trong khi đó bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với nắng nóng.
Bà Phạm Thị Cưa - hộ chăn nuôi ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, hiện nay, gia đình nuôi khoảng 100 con gà ta thả vườn, do diện tích nuôi hẹp trong điều kiện nắng nóng, nếu nhốt ở chuồng kín phải có hệ thống làm mát, tốn thêm tiền điện khoảng 20% so với mùa đông.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh - hộ chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), trang trại của gia đình ông đang nuôi 200 con lợn theo mô hình khép kín. Do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ có thể lên 37-38 độ C, để bảo vệ đàn vật nuôi, công nhân của trang trại thường xuyên bổ sung các loại vitamin cho đàn lợn; sáng hoặc chiều phun nước tắm cho lợn để giảm nhiệt...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, hiện đang vào mùa nắng nóng, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả... Các hộ chăn nuôi lớn đều xây dựng chuồng trại khép kín và có hệ thống làm mát; còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống làm mát, nếu không có biện pháp ứng phó với nắng nóng thì gia súc, gia cầm dễ mắc bệnh, gây thiệt hại về kinh tế.
Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, không bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn nêu giải pháp: Những ngày nắng nóng, vật nuôi thường có biến đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, hằng ngày, cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động cho trâu bò...; đồng thời, cần giãn mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, nếu nền nhiệt độ dao động khoảng 36-40 độ C và kéo dài sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, cán bộ thú y cơ sở cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm mới nuôi hoặc chưa được tiêm phòng vụ xuân. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống làm mát cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương.
Cùng với đó, các địa phương cần tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc. Mặt khác, cần hướng dẫn người dân chăm sóc gia súc, gia cầm trong điều kiện khô hạn, tiết kiệm nước; chuẩn bị thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cần tăng cường khẩu phần ăn xanh (rau cỏ tươi, củ, quả…), tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại vật nuôi…
NGỌC QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.