Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 20/05/2021
Ngày cập nhật:
22/5/2021
Tỉnh Đắk Nông đang thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Chăn nuôi theo hướng an toàn
Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Khắc Tăng, ở thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) liên kết nuôi gà với Công ty CP Việt Nam. Ông Tăng bỏ vốn đầu tư hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn quy định của công ty.
Đàn dê sinh sản của gia đình anh Đức được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Về phía công ty cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ông Tăng. Mỗi lứa gà, ông Tăng nuôi trong khoảng 60 ngày. Khi mỗi con gà nặng khoảng 1,7-2 kg trở lên là xuất chuồng.
Công ty CP Việt Nam bao tiêu toàn bộ đầu ra và trả công nuôi cho ông Tăng. Theo tính toán của ông Tăng, với mức tiền công mà công ty trả là 8.000 - 10.000 đồng/con gà, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa nuôi 20.000 con gà, ông có lãi hơn 150 triệu đồng.
Mỗi năm ông Tăng nuôi 4 lứa gà, mang về tổng thu nhập khoảng hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có thêm nguồn phân gà để bán và chăm sóc cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất tầm 80 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro. Do đó, ông Tăng tiếp tục đầu tư thêm một trang trại nuôi gà, với mức kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng.
Theo ông Tăng, để được Công ty CP Việt Nam chấp nhận ký hợp đồng liên kết, người chăn nuôi phải thực hiện các điều kiện như: Xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, đầu tư trang thiết bị đúng tiêu chuẩn và bảo đảm yếu tố về môi trường, cách ly mầm bệnh...
Còn anh Nguyễn Hồng Đức, ở thôn 9, xã Đắk N’drót (Đắk Mil), đã đầu tư chăn nuôi hơn 170 con dê. Anh Đức cho biết, năm 2017, gia đình anh bắt đầu nuôi dê khi thấy giá nông sản biến động mạnh.
Sau thời gian gây đàn, hiện nay anh duy trì 20 con dê mẹ sinh sản và 150 con dê thịt vỗ béo. Mỗi năm, anh có nguồn thu nhập khoảng 250 triệu đồng đã trừ chi phí. Để chủ động nguồn thức ăn cho dê, anh Đức trồng 6 sào cỏ.
Anh Đức chia sẻ, dê là giống vật nuôi có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn đa dạng, nên dễ sinh lời. Chỉ cần người nuôi nắm rõ cách chăm sóc, phòng bệnh và chăm dê sinh sản đúng cách, có thể sinh lời rất nhanh.
Chăn nuôi theo hướng an toàn là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 112 trang trại và hàng trăm hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn. Người chăn nuôi đang có xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn.
Hướng tới quy mô lớn, bền vững
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030. Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng bền vững, an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao sức cạnh tranh.
Ngành nông nghiệp sẽ nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, sơ chế, chế biến cũng được quan tâm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành chức năng cũng hoàn thiện các chính sách khuyến khích thúc đẩy chăn nuôi bền vững, hội nhập quốc tế.
Các loài vật nuôi sẽ được đa dạng hóa để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường. Chăn nuôi nông hộ được chuyển dần sang gia trại, trang trại, phát triển theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao.
Tổ chức chăn nuôi sẽ được kiến thiết theo hình thức khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Mục tiêu ngành chăn nuôi đến năm 2025 đạt 39.500 tấn, trong đó thịt lợn chiếm từ 92% - 94%; thịt gia cầm chiếm từ 3% - 4%; thịt gia súc ăn cỏ chiếm từ 3% - 4%.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đang xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển hợp tác xã, các chuỗi liên kết liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp cũng thực hiện các mô hình, dự án chăn nuôi, qua đó đánh giá kết quả và nhân rộng cho người dân áp dụng. Việc kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng công nghệ khoa học trong xử lý chất thải chăn nuôi sẽ được quan tâm, chú trọng.
Bài, ảnh: Đức Hùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.