Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 02/06/2021
Ngày cập nhật:
4/6/2021
Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân tìm hướng làm ăn để chuyển đổi phù hợp, hiệu quả và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới mang lại nguồn thu nhập khá cao, đặc biệt trong đó có mô hình nuôi bò vỗ béo.
Một mô hình nuôi bò vỗ béo hiệu quả ở Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: K.S
Xã Tân Long là một trong những xã vùng biên giới có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội khi có Quốc lộ 9 đi qua nối liền với nước bạn Lào. Do đó, thời gian trước đây có khá nhiều hộ dân trong xã qua lại buôn bán tại các huyện bạn Lào và thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, từ khi COVID - 19 bùng phát, việc lưu thông và giao thương hàng hóa hai bên biên giới trở nên khó khăn, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền xã, số hộ này quyết định tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới. Qua tìm hiểu nắm bắt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc chăn nuôi, người dân đã chọn mô hình chăn nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế. Qua hơn 1 năm thực hiện cho thấy, mô hình này rất khả quan, đem lại nguồn thu nhập khá và đang được nhân rộng trên địa bàn xã.
Ông Đỗ Thiên Nam ở thôn Long An trước đây là thương lái, chuyên nhập bò giống từ Thái Lan, Lào về cung cấp cho nông dân ở Hướng Hóa. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, việc qua lại biên giới Việt - Lào và Thái Lan khó khăn nên ông quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã. Để thực hiện mô hình này, ông xây dựng chuồng trại có quy mô, lựa chọn những con giống chất lượng cao mua về nuôi. Đầu năm 2020, ông thí điểm nuôi hơn chục con bò vỗ béo. Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi kỹ lưỡng nên đàn bò của ông phát triển thuận lợi, không kén ăn, ít dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Vài tháng sau đó, ông đầu tư mở rộng mô hình trên 100 con bò, trừ chi phí, năm vừa rồi ông thu về trên 500 triệu đồng. Ông Nam cho biết: “Do quen biết với các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh bò vỗ béo trong và ngoại tỉnh nên tôi thuận lợi hơn trong việc học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá cả, đầu ra của mô hình này ổn định nên việc chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình tôi phát triển khá thuận lợi. Hiện tại, tôi còn cung cấp con giống và góp phần giúp người dân địa phương đảm bảo được đầu ra cho mô hình nuôi bò vỗ béo”.
Sau hơn một năm triển khai thí điểm, đến nay nuôi bò vỗ béo tại xã Tân Long đã được nhân rộng với trên 25 mô hình, trong đó 9 mô hình có quy mô từ 20 - 230 con, còn lại là các mô hình có quy mô từ 5 - 10 con. Một số hộ gia đình duy trì được số lượng con giống lớn như gia đình các ông Lê Đăng Lâm, Đỗ Văn Hoài ở thôn Long Quy trong chuồng trại thường xuyên có khoảng 100 con bò vỗ béo. Mô hình nuôi bò vỗ béo hiện có ở khắp các thôn của xã Tân Long, trong đó trên 50% mô hình tập trung ở thôn Long Quy. Con giống nuôi ở xã đa phần là giống bò cỏ và một số ít nhập từ Lào về có đặc điểm dễ nuôi, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Từ những điều kiện thuận lợi này, đa phần các mô hình nuôi bò vỗ béo tại Tân Long đều phát triển thuận lợi. Bò sau khi vỗ béo bình quân 2 tháng xuất chuồng 1 lứa, mỗi con sẽ đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng. Đầu ra của các mô hình này luôn được đảm bảo, thương lái đến thu mua tận nơi. Mặt khác, thông qua liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, bò vỗ béo ở đây luôn được xuất bán rất thuận lợi.
Phần lớn chuồng trại chăn nuôi bò ở xã đều xa dân cư nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Lợi thế lớn nhất của Tân Long trong thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo đó là có các đồng cỏ rộng lớn, đất đai khá phì nhiêu nên nông dân thuận lợi trong việc trồng cỏ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, các hộ nuôi bò đều được địa phương quan tâm, tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc nên có thể chủ động trong việc chăm sóc và phòng, chống dịch cho đàn bò. Mặt khác, vấn đề vốn vay để xây dựng mô hình luôn được Hội Nông dân xã Tân Long quan tâm, tạo điều kiện. Thông qua tín chấp của hội, đa phần các hộ đều được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, hội còn tín chấp ở các ngân hàng khác để nông dân vay vốn đầu tư chăn nuôi với số vốn được vay ít nhất 100 triệu đồng/hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long Đỗ Mĩnh cho biết: “Từ hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi bò vỗ béo, hiện nay một số hội viên nông dân trong xã tiếp tục vay vốn để xây dựng và mở rộng mô hình. Điển hình có hộ đầu tư cơ sở vật chất với quy mô lớn như hộ gia đình ông Lê Trọng Dương ở thôn Long Quy đầu từ 1,5 tỉ đồng để mở trang trại. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động, hỗ trợ giúp đỡ hội viên, nhất là vấn đề học tập kinh nghiệm, tìm nguồn vốn vay và đầu ra cho mô hình nuôi bò vỗ béo. Hy vọng đây sẽ là hướng phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên, nhất là trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay”.
Ngọc Trang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.