Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 06/06/2021
Ngày cập nhật:
7/6/2021
Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2020, đến nay, cả nước đã có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 27 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 58 xã của 9 huyện, thành phố. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp, các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò.
Chủ động phòng, chống viêm da nổi cục trên trâu bò, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa xã Bình Dương đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh: Hồng Liên
Đầu tháng 6, có mặt tại xã Bình Dương (Vĩnh Tường)- địa phương đầu tiên xuất hiện bệnh VDNC trong 1 hộ chăn nuôi bò sữa, chúng tôi nhận thấy các hộ chăn nuôi trên địa bàn rất chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa đã tiêm vắc xin để phòng bệnh VDNC cho đàn bò của gia đình.
Chị Lê Thị Bích Lệ, nhân viên thú y xã cho biết: Tháng 1/2020, bệnh VDNC xuất hiện trên 1 con bò tại một hộ chăn nuôi bò sữa trong xã.
Sau khi phát hiện, UBND xã đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhanh chóng khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn hộ chăn nuôi tự tiêu hủy con vật bị bệnh; đồng thời phun tiêu độc, khử trùng toàn thôn để tránh lây lan trên diện rộng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống VDNC, trong đó chú trọng việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ đó, từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, trên địa bàn xã không phát sinh ổ dịch mới.
Cũng từng có bò xuất hiện triệu chứng của bệnh VDNC tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn, nhưng đến nay, chăn nuôi gia súc tại xã An Tường (Vĩnh Tường) vẫn phát triển ổn định, không phát sinh ổ dịch.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: An Tường hiện có trên 3.000 con trâu, bò.
Theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi giám sát gia súc, nếu có biểu hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo ngay chính quyền địa phương, cơ quan thú y.
Đến nay, gần 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu bò. Hiện, trên địa bàn chưa phát sinh ổ dịch VDNC trên trâu, bò.
Vĩnh Phúc hiện có 18 nghìn con trâu, trên 104 nghìn con bò, gần 459 nghìn con lợn và trên 11 triệu con gia cầm, thủy cầm.
Những năm qua, chăn nuôi có đóng góp không nhỏ vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.
Năm 2020, sản lượng thị trâu xuất chuồng đạt 604 tấn, tăng hơn 2,2%, thịt bò đạt 2.323 tấn, tăng 2,27% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, tháng 12/2020, bệnh VDNC xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Vĩnh Tường, đến nay, bệnh đã xuất hiện tại 686 hộ chăn nuôi bò trên địa bàn 58 xã của 9 huyện, thành phố trong tỉnh, với 876 con bò nghi mắc VDNC, trong đó số chết và tiêu hủy 12 con, đã khỏi triệu chứng 491 con, hiện có 373 con vẫn đang có các biểu hiện bệnh.
Chủ động ngăn chặn bệnh VDNC ở trâu bò, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; phân công cán bộ chuyên môn đến cơ sở trực tiếp hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh, các vật chủ trung gian truyền bệnh và chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Hiện, Sở NN&PTNT đã cấp 25.000 tờ rơi tuyên truyền về bệnh VDNC, tổ chức 24 lớp tập huấn cho trên 2.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn về công tác phòng, chống bệnh VDNC. Đến nay, tổng số trâu, bò đã được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC đạt trên 35.800 con.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, thời tiết nóng, ẩm như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng…).
Bên cạnh đó, một số đối tượng chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vẫn cố tình vận chuyển, giết mổ gia súc bệnh, mang mầm bệnh VDNC dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Tại cuộc họp trực tuyến trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã khẳng định, vắc xin là 1 trong những giải pháp hữu hiệu phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò.
Thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh rất hiệu quả như: Hà Tĩnh, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên...
Ước chi phí tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC khoảng 35 nghìn đồng/liều/con trâu, bò, rất thấp so với tổng giá trị của mỗi con trâu, bò (trung bình trên 15 triệu đồng/con).
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong chăn nuôi, góp phần thực hiện mục tiêu “kép”, thời gian tới, ngoài các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn cần chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Hồng Tính
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.