Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 11/06/2021
Ngày cập nhật:
13/6/2021
Dịch tả heo châu Phi “quét” qua cả nước khiến các trang trại, nông hộ chăn nuôi heo Lâm Đồng cũng lao đao. Sau dịch, nhiều nông hộ rụt rè trong việc tái đàn bởi nhiều lí do, trong đó có lí do sợ tái dịch. Và, một nông hộ đã mạnh dạn tái đàn và thành công, rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc nuôi heo an toàn.
Anh Cường kiểm tra đàn heo
Gia đình anh chị Bùi Mạnh Cường - Tạ Thị Rậu là một trong những hộ chăn nuôi heo tại Thôn 3, xã Tân Lâm, huyện Di Linh với quy mô cỡ vừa, khoảng 100 đầu heo các loại. Trong đợt dịch heo tai xanh năm 2020, cũng như hầu hết các hộ chăn nuôi, trại heo của anh chị dính dịch và phải tiêu hủy hoàn toàn. Vừa mất vốn, vừa thiếu tiền cám, công chăm, giá heo giống lại lên quá cao khiến cuối năm 2020, dù dịch đã hết, anh Cường vẫn băn khoăn không biết có nên tái đàn. Sau cùng, anh Cường nghĩ rằng mình là nông dân, con heo là vật nuôi quan trọng và cũng là nguồn thu nhanh, ổn định với nhà nông, vậy là anh quyết định tái đàn.
Trước khi tái đàn, anh Bùi Mạnh Cường sửa lại hoàn toàn chuồng trại. “Trước kia nuôi thì mình làm chuồng cũng bình thường như mọi nhà, heo nuôi dưới sàn. Heo cũng ăn, uống nước bằng máng tự động nhưng cơ bản quy trình chăm sóc cũng còn khá lung tung”, anh Cường cho biết. Khi tiến hành sửa chuồng, anh Cường nghiêm túc tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Anh xây chuồng kín hoàn toàn, không để hở. Thay vì để heo trên mặt sàn xi măng, anh Cường nâng sàn lên bằng khung thép, trên phủ một lớp lưới nhựa, cách li khỏi mặt sàn giúp heo vừa sạch, vừa an toàn với móng. Đặc biệt, anh điều chỉnh lại quy trình chăn nuôi theo chuỗi, một chiều vào - ra. Người lạ không được vào khu vực chăn nuôi, tránh việc lây lan mầm bệnh, không chỉ bệnh dịch tả heo mà cả các bệnh khác. Chất thải heo được gom lại bể bioga, vừa không làm ô nhiễm gây mùi hôi thối, vừa có phân hữu cơ bón cho vườn cà phê xen bơ của gia đình.
Và vào tháng 10/2020, anh Cường tái đàn với việc mua đàn heo nái về cho sinh sản, thay cho việc mua heo giống con giá quá cao và rất khan hàng. Anh mua một heo nái “ông bà”, heo nái giống chuẩn bên cạnh việc mua 6 con heo nái bình thường. Đàn heo nái đã sinh sản gần 100 heo con, anh để lại nuôi hoàn toàn. Tháng 4/2021, anh bán được lứa heo thịt đầu tiên sau tái đàn với 60 con, hoàn toàn do heo nái trong trại sinh sản. Lứa heo bán được mang lại cho gia đình anh tiền lời khoảng 100 triệu đồng và phần còn dư là 17 con heo nái, trong đó có gần 10 con heo nái chất lượng tốt đang chuẩn bị phối giống. Đến thời điểm tháng 5/2021, gia đình anh Bùi Mạnh Cường coi như tái đàn thành công, sẵn sàng cho việc ra đời những lứa heo khỏe mạnh, cung cấp cho thị trường nguồn thịt dồi dào.
Anh Bùi Mạnh Cường chia sẻ, dù dịch tả heo châu Phi khiến gia đình anh và hầu hết các hộ chăn nuôi trong vùng chịu thiệt hại rất lớn nhưng ở chiều ngược lại, nó cũng khiến người nông dân thay đổi ý thức trong việc chăn nuôi. Nông dân quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại đúng chuẩn, quy trình chăm sóc an toàn, đúng kỹ thuật, giữ vệ sinh chuồng heo chứ không còn tình trạng chuồng trại tạm bợ, nuôi heo tự nhiên như trước nay vẫn làm. Về lâu dài, người chăn nuôi buộc phải nâng cấp chuồng trại, chuẩn hóa quy trình để tránh rủi ro dịch bệnh, đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi.
Bà Lê Thị Trinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm cho biết, dịch tả heo châu Phi khiến hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn đều phải tiêu hủy đàn heo. Hiện tại, một số hộ đã tái đàn thành công, có hộ tái đàn bằng heo nái, có hộ tái đàn bằng heo giống nhỏ. Tuy nhiên, bà Trinh cũng nhận xét, chỉ có các trang trại chăn nuôi quy mô từ trung bình trở lên mới tái đàn, các hộ nuôi nhỏ lẻ không dám nuôi lại. Đầu tiên bởi chi phí sửa chuồng trại khá lớn, heo giống cũng rất đắt và khan hàng, thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá. Chăn nuôi nhỏ lẻ không còn là sự lựa chọn phù hợp bởi rủi ro cao và thu nhập không đạt kì vọng. Xã luôn vận động các hộ chăn nuôi áp dụng chuồng trại theo quy chuẩn kỹ thuật, chăn nuôi quy mô lớn, giúp đàn heo phát triển tốt và an toàn trước dịch bệnh.
DIỆP QUỲNH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.