Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 13/01/2021
Ngày cập nhật:
15/1/2021
Thời điểm này, các xã, phường, thị trấn tại Hậu Giang đang tập trung tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3. Khâu tiêm phòng cúm gia cầm đã được siết chặt nhằm bảo vệ đàn an toàn trước tác động của đợt không khí lạnh.
Hộ nuôi chủ động tiêm phòng đúng lịch cho đàn gia cầm.
Hiện nay, tiêm phòng cúm gia cầm không còn xa lạ, mà trở thành việc của người chăn nuôi phải làm. Theo rà soát, tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm ở các địa phương đạt mức tương đối cao, số đông hộ chăn nuôi chủ động hơn khâu tiêm phòng để bảo vệ đàn gà, vịt; giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Tại huyện Long Mỹ, tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 1,2 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng của địa phương đạt từ 70-85%. Còn tại huyện Phụng Hiệp, tỷ lệ đạt khoảng 92%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Để đạt kết quả trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp lâu dài. Nhưng chủ yếu là rút kinh nghiệm từ mấy năm gần đây huyện không xảy ra dịch cúm gia cầm, từ đó người dân ý thức được hiệu quả của công tác tiêm phòng và có chủ động hơn. Thứ hai là khâu tuyên truyền vận động có hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu. Kinh phí, vắc-xin được cấp đầy đủ, kịp thời. Kế hoạch tiêm phòng được rà soát thường xuyên nhằm đảm bảo tối đa tỷ lệ miễn dịch cho đàn gia cầm toàn huyện.
Còn tại huyện Vị Thủy, với tổng đàn gia cầm hiện có trên 700.000 con, tỷ lệ tiêm phòng cúm đạt trên 75%. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, cho hay: Trạm thường xuyên rà soát tổng đàn để nhắc nhở hộ nuôi tiêm phòng bổ sung đối với các đàn gần hết hạn miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm khoảng 75%, các trường hợp không tiêm phòng chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ. Đối với trường hợp này, huyện có thống kê danh sách để bà con xác nhận; đây cũng là cơ sở để xử lý khi xảy ra dịch bệnh.
Mặt khác, góp phần tăng tỷ lệ tiêm phòng phải kể đến vai trò của lực lượng thú y cơ sở bám sát địa bàn. Từ đó, tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng khi bà con gặp vấn đề khó khăn. Lâu dần, hộ nuôi cũng chủ động hơn, thận trọng phòng bệnh và áp dụng những khuyến cáo khoa học.
Bà Ngô Thị Bế, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ rằng bí quyết hạn chế rủi ro dịch bệnh cho đàn gia cầm là chủ động ngừa đúng, đủ bệnh. Với tổng đàn vịt chạy đồng khoảng 1.800 con, nhờ tiêm ngừa đủ bệnh và có kỹ thuật chăm sóc tốt nên không xảy ra hao hụt nhiều. Thỉnh thoảng xuất hiện các bệnh thông thường, bà Bế tự trị cho chúng trong 2 đến 3 ngày là khỏi. Trường hợp khó, bà nhờ thú y địa phương xem rồi điều trị nhanh.
Bà Bế cho hay: “Nuôi ít vài chục con thì không sao, chứ nuôi quy mô cả ngàn con thì nó là cả gia tài. Đã là gia tài thì ai cũng dốc sức bảo vệ hết. Tôi chuẩn bị tuần này cho đàn vịt đi chạy đồng ở Bạc Liêu. Nhờ tính kỹ, kiểm tra đầy đủ giấy tờ và trừ hao thời gian lưu trú nên chưa từng bị nhắc nhở vấn đề gì liên quan đến thủ tục. Chuẩn bị lượng hóa chất phun khử trùng cứ 2 ngày 1 lần. Nhờ chủ động nhiều cách nên mỗi mùa di trú, vật nuôi đều an toàn”.
Theo cơ quan chuyên môn, để việc tiêm phòng cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, trước khi tiêm, người chăn nuôi cần khai báo tình trạng sức khỏe gia cầm với cán bộ thú y. Tuân thủ đúng lịch, đủ liều lượng. Đối với thú y cơ sở, lưu ý bảo quản vắc-xin đúng hướng dẫn, tiêm đúng kỹ thuật, liều lượng…
Các địa phương đang thực hiện cao điểm tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 3 từ ngày 22-12-2020 đến 22-1-2021.
Nhằm vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát động đợt cao điểm tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là lần thứ 3 ngành nông nghiệp triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt tồn lưu của vi khuẩn trong môi trường, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra dịch, giúp nông dân có nguồn thu nhập đáng kể từ chăn nuôi.
Lúc này, các xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ra quân phun khử trùng theo kế hoạch. Qua thống kê mới nhất của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ ngày 22-12-2020 đến ngày 8-1-2021, đã phun khử trùng trên 2,5 triệu m2 ở các hộ chăn nuôi và chợ. Tại hộ nuôi nhỏ lẻ, các đội phun tiêu độc được gần 2,4 triệu m2. Đối tượng vệ sinh, tiêu độc khử trùng là các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; chăn nuôi hộ gia đình; các ổ dịch cũ, hố chôn gia súc, gia cầm. Các cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các điểm, chợ mua bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm…
Bài, ảnh: KỲ ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.