Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 17/01/2021
Ngày cập nhật:
18/1/2021
Để duy trì sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vẫn còn diễn biến khó lường.
Đàn gia cầm phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dám mạnh dạn tái đàn do tình hình DTLCP xuất hiện trở lại. Qua ghi nhận thực tế, do ảnh hưởng của DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đã treo chuồng.
* Tái đàn heo chậm
Giữa năm 2019, DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Đến thời điểm này, việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó. Dù giá heo đang ở mức khá hấp dẫn, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn bởi giá heo giống đang ở mức cao, nguồn cung hạn chế, trong khi đó rủi ro lại luôn rình rập. Đơn cử như tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, hiện đàn heo của xã chỉ còn khoảng 13 ngàn con. Trước khi xảy ra dịch, đàn heo của xã có khoảng hơn 55 ngàn con. Đàn heo hiện chủ yếu tập trung ở các trại lớn, các hộ nuôi nhỏ lẻ đã ngừng nuôi do người dân ngại dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Gạo đánh giá, hiện đàn heo của huyện có khoảng 57 ngàn con, không tăng so với những tháng trước. Tình hình tái đàn đang khá chậm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết, hiện đàn heo của huyện còn khoảng 9.000 con. Đến thời điểm này, tình hình DTLCP trên địa bàn huyện cơ bản được không chế. Do nguy cơ dịch bệnh còn nên đến giờ người chăn nuôi chưa thể tái đàn.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, tháng 10/2020, DTLCP xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh. Dù công tác phòng, chống dịch đã được triển khai xuyên suốt, nhưng vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và chưa có vắc-xin phòng bệnh nên dịch bệnh đã xảy ra. Do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và đang xảy ra, con giống không đảm bảo nên công tác tái đàn heo diễn ra chậm. Theo thống kê, đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 260 ngàn con. Hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang nhập và tái đàn với số lượng ít. Đến nay, có 14 trại chăn nuôi gia công đã đăng ký và được kiểm tra đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và tái đàn với giá lượng hơn 12 ngàn con.
Có thể nhận thấy, việc tái đàn heo chậm dẫn đến giá thịt heo duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, rõ ràng, đây là cơ hội để tái cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi heo theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tiến tới chăn nuôi ở quy mô lớn an toàn sạch bệnh. Đây cũng là định hướng mà tỉnh đang triển khai thực hiện.
* Chuyển hướng sang nuôi gia cầm
Xã Xuân Đông được mệnh danh là "thủ phủ" chăn nuôi heo của huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, một số hộ chuyển sang nuôi gia cầm. Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, hiện đàn gia cầm ở xã có khoảng 600 ngàn con; trong đó, chủ yếu là tre và gà Lương Phượng lấy thịt. Trong năm 2020, đàn gia cầm ở xã tăng nhiều so với những năm trước do chuyển từ nuôi heo sang nuôi gà. Chị Nguyễn Thị Phượng Uyên (ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông) bộc bạch, trước đây, gia đình chị có nuôi heo nhưng lo ngại dịch bệnh xuất hiện trở lại nên không dám tái đàn và chuyển sang nuôi gà tre. Hiện nay, trên địa bàn xã có khá nhiều hộ nuôi gà tre lấy thịt nên gia đình cũng học hỏi đầu tư chăn nuôi gà tre. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện đàn gia cầm để phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021 tại huyện đang rất dồi dào. Người chăn nuôi ở huyện chủ yếu nuôi gà đẻ, song thời gian gần đây, phát triển thêm nuôi gà tre lấy thịt. Ngoài gà tre, các giống gà lấy thịt khác như: Gà ta Bình Định, gà lai Bến Tre tập trung chủ yếu ở xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan. Tổng đàn gia cầm trong năm 2020 của huyện khoảng 7,9 triệu con, tăng nhiều so với năm 2019.
Ông Lê Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, trong năm 2020, việc tái đàn heo trên địa bàn còn gặp khó. Do đó, để duy trì kinh tế, bù đắp sản lượng thịt heo thiếu hụt, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia cầm. Do đó, đàn gia cầm của huyện tăng cao so với năm 2019. Còn theo Sở NN&PTNT, đến khoảng cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 16,7 triệu con gia cầm, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trước ảnh hưởng của DTLCP, một số hộ chăn nuôi đã linh hoạt chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm để duy trì kinh tế gia đình.
Trọng Đạt
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.