Nguồn tin: Báo Nam Định, 23/07/2021
Ngày cập nhật:
26/7/2021
Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng tiêu thụ các loại con nuôi đặc sản, như: Nhím, thỏ, ba ba, lợn rừng, chồn hương, rắn, cá sấu, đà điểu, hươu, dế, tắc kè... trong khi nguồn tự nhiên hoang dã khan hiếm và có quy định quản lý chặt chẽ, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi.
Nuôi đà điểu thương phẩm tại xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Yên Phương (Ý Yên, tỉnh Nam Định) là người tiên phong gây nuôi giống cầy hương tại địa phương với mong muốn thuần hóa thành công con nuôi đặc sản được ưa chuộng này, giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi chồn hương. Đến thời điểm hiện tại, trại cầy hương nhà anh phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá thị trường cầy hương giống vào khoảng trên 10 triệu đồng 1 cặp và cầy hương thịt là 2 triệu đồng/kg, mỗi năm gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên mong muốn nhân rộng đàn cầy hương ra đại trà thì vẫn chưa thành hiện thực. Anh Thắng cho biết: Chồn hương là con nuôi có giá trị cao, sức chống chịu tốt, ít phải chăm sóc nhưng vẫn khó nhân ra diện rộng bởi đòi hỏi thời gian thuần dưỡng lâu, sau khi gây giống từ 1 đến 1,5 năm mới cho thu nhập. Hơn thế nữa chồn hương thường mắc bệnh đường ruột khi mới lớn nếu người nuôi không chú ý bệnh sẽ lây lan rất nhanh trong khi hầu hết các thú y viên ở cơ sở không dám nhận chữa vì thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên nhiều hộ bị hỏng cả đàn thiệt hại kinh tế khá lớn. Đây vốn là động vật hoang dã nên kỹ thuật phòng, chống bệnh chủ yếu do người nuôi tự rút kinh nghiệm, không có sách vở, tài liệu hướng dẫn. “Bản thân tôi, để có được kinh nghiệm cũng phải “trả giá” bằng nhiều lần thất bại” - Anh Thắng chia sẻ thêm. Tại xã Tân Khánh (Vụ Bản), thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, đưa giống cây, con mới vào cơ cấu, từ hơn chục năm về trước xã đã quy hoạch chuyển đổi 30ha vùng đất trũng ven đê sông Sắt cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Cá trắm đen được chính quyền địa phương, người dân lựa chọn là đối tượng nuôi chính bởi đó là con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Phòng NN và PTNT huyện cùng các ngành chức năng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân mở rộng sản xuất. Do đó Tân Khánh nhanh chóng trở thành vùng nuôi cá đặc sản nổi tiếng. Nhiều hộ dân xóa nghèo từ con cá trắm đen như gia đình ông Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết; Phạm Văn Thuần, thôn Phong Cốc... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ nuôi cá trắm đen đặc sản lại trở về nuôi cá truyền thống và cá cảnh. Đồng chí Vũ Văn Cẩm, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Con cá trắm đen vốn là dòng cá quý có đặc tính chuyên ăn ốc (các cụ xưa kia gọi là cá trắm ốc). Trước đây các hộ dân cho ăn bằng ốc vặn nên chất lượng cá rất cao, thịt chắc dai, ngọt đậm. Tuy nhiên khi quy mô sản xuất phát triển nhanh nguồn ốc đồng tự nhiên không đủ, người dân cho cá ăn bằng ốc bươu vàng, ron biển, làm giảm độ “ngon” của cá, thậm chí sau ngày sử dụng cả cám công nghiệp thì thịt cá trắm đen nuôi mất hẳn chất lượng vốn có, khách hàng không còn ưa chuộng nên giá cá trắm đen không còn như xưa. Những hộ dân nuôi duy trì thức ăn tự nhiên để giữ chất lượng cá thì lại không cạnh tranh được với giá bán cá nuôi công nghiệp trong vùng và địa phương lân cận nên đành phải bỏ.
Theo Sở NN và PTNT, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có trên 10 loại con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao được các hộ chăn nuôi phát triển, mở rộng. Trong đó có hơn 100 hộ nuôi dê, 40 hộ nuôi thỏ, 97 hộ nuôi nhím, 5 hộ nuôi lợn rừng, 26 hộ nuôi dế, 2 hộ nuôi hươu và một số hộ nuôi tắc kè, cá sấu, đà điểu, gấu, cầy hương, rắn, trăn… Bước đầu các hộ nuôi con giống đặc sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên việc đầu tư gây nuôi chỉ ở quy mô hộ nhỏ lẻ, tự phát nên không bền vững. Đó là chưa kể đến tình trạng người nuôi ít kinh nghiệm bị gian thương lợi dụng, hứa hẹn bao tiêu đầu ra để bán con giống giá cao kiếm lợi như đối với các loại con nuôi đặc sản là chồn nhung, dúi, nhím những năm trước đây, đến khi cần tiêu thụ thì người nuôi tự lo.
Để giải quyết vấn đề này, trên cơ sở khuyến khích phát triển mô hình nuôi các giống đặc sản gắn với các trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn, Sở NN và PTNT đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn đầu tư sản xuất con giống và liên kết với các đơn vị sản xuất giống con nuôi đặc sản uy tín trên toàn quốc để cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Quy hoạch vùng phát triển con nuôi đặc sản và định hướng vật nuôi để người dân không sản xuất chạy theo phong trào tự phát, tăng, giảm đàn ồ ạt, đột ngột dẫn đến mất cân đối thị trường tự gây khó cho mình. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi liên kết với các đơn vị chuyển giao, xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với điều kiện của tỉnh đảm bảo có thể nhân ra diện rộng. Ngành KH và CN triển khai các dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để hoàn chỉnh quy trình nuôi con giống đặc sản và chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi cần chủ động tìm hiểu kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về quản lý, kỹ thuật và ngăn ngừa dịch bệnh để chăn nuôi các loại con nuôi đặc sản đi vào ổn định, thực sự trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.