• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành chăn nuôi ứng phó với thách thức

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 10/08/2021
Ngày cập nhật: 11/8/2021

Dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa; giá thức ăn tiếp tục tăng cao trong khi giá gia cầm, giá thịt lợn có xu hướng đi xuống, nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn... Nghịch lý này đang đặt ra nhiều thách thức mới với lĩnh vực chăn nuôi, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ chăn nuôi cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, linh hoạt ứng phó trong tình hình mới.

Chăm sóc lợn tại một trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: Quỳnh Dung

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh tăng. Trong khi đó, dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến việc vận chuyển, lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các vùng, miền nên giá gia súc, gia cầm có nhiều biến động, khiến người chăn nuôi lo lắng.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi sản xuất tiêu thụ trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) Lê Văn Trẻo, cách đây khoảng 1 tháng, nông dân bán ra thị trường với giá 3.600-3.800 đồng/quả, nhưng hiện nay giá bán đã giảm tới 20-30% và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Với các hộ chăn nuôi lợn, không chỉ tiêu thụ chậm mà giá lợn hơi còn giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020 - mức thấp nhất trong 4 năm qua. Ông Nguyễn Văn Lâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cho biết, với giá dao động trong khoảng 55.000-56.000 đồng/kg, chăn nuôi trang trại khép kín từ con giống tới sản phẩm thương mại mới bảo đảm có lãi, còn chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ lấy công làm lãi.

Về tình hình sản xuất trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, chăn nuôi của Hà Nội thời điểm này tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đối diện với nhiều thách thức trong tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh nguy cơ tái phát dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao.

Cũng về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Văn Trọng nêu thêm khó khăn: Hiện giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng phi mã và chưa có dấu hiệu chững lại, làm gia tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi. Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh...

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) cho rằng, các trang trại, hợp tác xã tùy theo nhu cầu của thị trường để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Hiện nay, tiêu thụ là trở ngại lớn nhất đối với các hộ chăn nuôi do chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương khi đã bảo đảm đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Về phía cơ quan quản lý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm khuyến cáo, người chăn nuôi phải tiếp tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thay vì tăng tổng đàn, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện đã và sẽ hỗ trợ về giống, kỹ thuật; đồng thời hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Nhấn mạnh hơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt 4,2% trở lên, trong đó chăn nuôi tăng khoảng 6%, trước mắt Sở NN&PTNT sẽ đẩy mạnh các giải pháp phối hợp liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường; đồng thời phối hợp với các hội đoàn thể địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tới người tiêu dùng. Còn về lâu dài, Sở sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành cho từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; đồng thời phối hợp với các địa phương phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực...

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm ổn định cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, cơ quan chức năng của Bộ sẽ theo dõi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để có chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng tăng đột biến về giá nhưng lại không bảo đảm về chất lượng. Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng kịch bản tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền đối với các sản phẩm đang gặp khó khăn về tiêu thụ để đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp “đầu ra” thuận lợi hơn.

NGỌC QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang