• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Ninh: Bảo vệ an toàn đàn vật nuôi

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 15/08/2021
Ngày cập nhật: 18/8/2021

Ngành Chăn nuôi đang đứng trước nhiều thách thức do giá thức ăn tăng cao, giá sản phẩm giảm, tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19... Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi thì ứng dụng công nghệ cao kết hợp với các biện pháp phòng bệnh là hướng đi đúng giúp duy trì đàn vật nuôi, bảo đảm giá trị gia tăng bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung công nghiệp, sản xuất hàng hóa; lựa chọn giống vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất; xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng thông tin trong giám sát, điều tra, truy xuất dịch bệnh động vật... sẽ là những giải pháp chăn nuôi an toàn, vừa rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, duy trì tăng năng suất, sản lượng theo từng năm trong bối cảnh diện tích chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp hiện nay.

Tổng đàn vật nuôi của tỉnh đang duy trì khoảng hơn 300 nghìn con lợn; hơn 5,7 triệu gia cầm; hơn 30 nghìn trâu, bò; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 100.000 tấn. Sản phẩm chăn nuôi lợn, trâu, bò vẫn giảm so giai đoạn 2015-2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ có đàn gia cầm bảo đảm tốc độ tăng bình quân gần 4%/năm.

Khử khuẩn môi trường, giảm phát sinh dịch bệnh (ảnh chụp trước tháng 4-2021).

Chăn nuôi trang trại phát triển ở nhiều nơi, trang trại có quy mô chăn nuôi tập trung công nghiệp ngày càng nhiều, dần hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có gần 900 trang trại chăn nuôi, trong đó gần 30 trang trại quy mô lớn, hơn 150 trang trại quy mô vừa, gần 700 trang trại quy mô nhỏ. Các biện pháp được ngành chăn nuôi khuyến cáo, hướng dẫn, chuyển giao cho người nuôi đang áp dụng hiệu quả ở nhiều trang trại như: Công nghệ chuồng kín, hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động, áp dụng trong chăn nuôi lợn, gà, thỏ, mang lại hiệu quả cao; Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa áp dụng để quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, số trang trại áp dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều để hạn chế người ra, vào khu chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm chi phí lao động thủ công, nâng cao mật độ chăn nuôi trên một đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn; Công nghệ di truyền, công nghệ sinh học áp dụng trong sản xuất lợn giống, giống gia cầm theo phương thức lai tạo, chọn lọc những giống vật nuôi chất lượng cao đưa vào sản xuất, đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ chăn nuôi, bước đầu xuất bán sang các tỉnh, thành khác; Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Biogas, chế phẩm sinh học, cải thiện cơ bản môi trường các khu vực chăn nuôi. Với việc vận dụng linh hoạt các giải pháp công nghệ cao, từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Phòng, chống dịch bệnh cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong chăn nuôi, có tính chất quyết định đến số lượng, chất lượng đàn vật nuôi. Rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trước, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được nâng lên một bước. Một mặt, ngành Chăn nuôi, Thú y rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ tỉnh đến cơ sở; tăng tính dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật. Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi khép kín từ khâu con giống - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nhằm tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các loại KIT chẩn đoán nhanh, vắc xin được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào được sử dụng rộng rãi, góp phần khống chế, ngăn chăn bệnh dịch phát sinh và lây lan, bảo vệ sản xuất chăn nuôi phát triển.

Năm 2021, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu chiếm tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao khoảng 40- 45%, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, kết hợp phòng, chống dịch bệnh tốt sẽ bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, từng bước đạt các mục tiêu đặt ra.

Hoài Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang